Làng Gò Cỏ - Dấu ấn xưa trong lòng đá
Bên những gành đá hoang sơ, làng biển Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hội tụ vẻ đẹp đặc trưng nhất của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên hoang sơ, bản sắc văn hóa độc đáo với dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa.
Theo các nhà khoa học, Gò Cỏ hình thành từ thời văn hóa Sa Huỳnh - cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm, hội tụ tinh hoa của ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Làng có diện tích khoảng 65 ha, nằm giữa hai đồi núi cao, có lớp cư dân cổ.Địa chất chủ yếu là các loại đá granit được hình thành khoảng 250 triệu năm trước.
Điểm độc đáo tại làng cổ Gò Cỏ là sau nhiều năm tạo dựng, đến giờ dân làng vẫn gìn giữ, tôn tạo thêm những con đường lát đá núi, bờ rào, bậc thang, kè đá giữ đất… tất cả đều được xếp bằng đá núi, theo thời gian đã kết nối liền mạch vững chãi và đẹp mắt.
Ở Gò Cỏ, đá là nền móng của làng. Làng nằm cạnh biển, nhưng địa thế là đồi cao. Chính vì thế, mỗi mùa mưa lũ qua rất dễ sạt lở. Nhưng nhờ đá xếp chồng lên đá, lớp này nằm lên lớp kia nên làng không mất một tấc đất nào. Gò Cỏ cũng hội tụ đầy đủ núi non, làng mạc, biển khơi.
Làng cổ vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ và 11 giếng cổ, con đường cổ của người Chăm Pa tồn tại cách nay hàng trăm năm và các phong tục tập quán mang nhiều đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước.
Ngôi làng là bức tranh tổng thể đa dạng giá trị di sản, hội tụ tinh hoa của ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. "Làng Gò Cỏ được lựa chọn để thực hiện “mô hình kiểu mẫu”, một phần của dự án Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Tháng 11/2019, Quảng Ngãi đã trình hồ sơ dự án này đến UNESCO để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.