Làng gốm Bát Tràng nhộn nhịp Xuân
Nằm trong top 10 làng nghề nổi tiếng nhất Việt Nam, làng gốm Bát Tràng, có từ cách đây hơn 1.000 năm - từ thời vua Lý Công Uẩn. Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu di sản thấy có nhiều gạch, đồ gốm, sứ Bát Tràng với các hình đầu rồng, hoa văn độc đáo...
Trải qua biến thiên của thời gian, làng gốm Bát Tràng đã ít nhiều thay đổi, trở thành một điểm sáng văn hóa du lịch, niềm tự hào của quê hương. Vào những ngày gần dịp Tết nguyên đán, nơi đây nhộn nhịp tưng bừng, sầm uất với những sản phẩm, mẫu mã đa dạng được đưa đi giới thiệu khắp nơi.
Bí mật từ cuốn gia phả của làng gốm Bát Tràng
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15 km, qua cầu Chương Dương hoặc Vĩnh Tuy hay Thanh Trì đều được cả, đi trên con đê lộng gió nằm ven sông Hồng, bên tay phải có tấm biển “Làng gốm Bát Tràng”. Biển treo chỉ là điểm nhấn, phân định cho những ai chưa từng tới xã Bát Tràng, chứ với người Hà Nội thì từ lâu làng Bát Tràng đã là một địa chỉ quá quen thuộc.
Khi cuộc sống công nghiệp hối hả, những thiết bị điện tử hiện đại liên tục ra đời, thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi thì những làng nghề truyền thống lại được người ta yêu thích. Điển hình như làng trống Đọi Tam, Duy Tiên, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn chiếc sang các nước châu Âu. Hay làng lụa Vạn Phúc vào cuối năm 2018 đã hình thành tuyến phố đi bộ... Làng Bát Tràng, một quần thể thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội là một địa chỉ đỏ cho người xa xứ tìm về mỗi khi có dịp về thăm quê nhà.
Trước đây, để đến Bát Tràng, người ta thường đi đò xuôi theo sông Hồng, hoặc xe buýt nếu đi đường bộ. Nhiều năm nay, con đường từ trung tâm thành phố đến đây được mở rộng, đổ bê tông nên việc đi lại thêm thuận tiện. Bước qua cổng làng là một cuộc sống nhộn nhịp như một khu đô thị sầm uất với những cửa hàng, cửa hiệu san sát.
Gọi là làng nhưng Bát Tràng không còn con đường đất nứt nẻ, lầy lội năm nào mà được trải nhựa. Bờ tre, khóm trúc cũng không còn nhưng nghề tổ cả nghìn năm vẫn được kế tục, lưu giữ. Nổi tiếng trong làng là ông Lê Văn Hòa, được coi là người nắm giữ “bí mật” của làng.
Ông Hòa bảo hiện nay, ban khánh tiết của đình Bát Tràng có 4 người, tay hòm chìa khóa giữ những cuốn gia phả ghi chi tiết về lịch sử hình thành làng. Những gì trong cuốn gia phả còn lưu giữ lại trong đình làng Bát Tràng ghi cũng giống như trong “Đại Việt sử kí toàn thư” và “Dư địa chí”.
Từ thuở xa xưa, làng Bầu Bát (Huyện Yên Mô, Ninh Bình) đã nổi tiếng với nghề gốm sứ. Do sự cạnh tranh khốc liệt ở chốn quê nhà, họ Nguyễn từ làng quê đi thuyền ngược sông Hồng ra Hà Nội, khi ngang qua đây thấy 7 gò đất trắng, nghĩ đất này gây dựng được nghề gốm nên đã dừng lại lập ấp, xây lò. Người họ Nguyễn đưa con cháu từ quê nhà ra đây ngày một đông.
Cùng lúc ấy, năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô, chọn Thăng Long là đất đóng đô. Người họ Nguyễn cùng với những người thợ của kinh thành xây dựng Hoàng thành Thăng Long và sản xuất những đồ đĩa, bát... để phục vụ triều đình. Thấy họ Nguyễn phát triển được nghề gốm, nhiều dòng họ khác cũng theo ra, khoảng chục năm sau đã có 10 dòng họ làm nghề gốm.
Ông Hòa kể: Hiện nay, Bát Tràng có 23 dòng họ đều xuất xứ từ Bầu Bát (Yên Mô, Ninh Bình). Đặc thù ở làng Bát Tràng các dòng họ đều có nhà thờ họ riêng và không ai được phép ở đó. Vào những ngày lễ trong năm như ngày rằm, mồng 1, hội làng, ngày giỗ tổ, con cháu mới được phép vào nhà thờ họ để thắp nhang, quây quần sum họp.
Trong cuốn gia phả cũng ghi rõ, người dân làng Bát Tràng xưa kia chỉ có hai nghề làm gốm và buôn bán chứ tuyệt đối không làm nông nghiệp. Từ thế kỉ XIV người dân trong làng đã buôn nước mắm, đồ khô... Ngoài các hộ tiểu thương, còn có nhiều gia đình thêm nghề dạy học, bốc thuốc để phục vụ cộng đồng.
Những thăng trầm của làng gốm Bát Tràng
Năm 1954, làng Bát Tràng nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, những nhà có nhiều lò đất nung, nhiều xưởng thuê nhân công làm đều hiến cho nhà nước. Thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, trở thành Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng thuộc Sở Công nghiệp thành phố Hà Nội. Cùng lúc này nhiều hợp tác xã (HTX) ra đời cung cấp nhu cầu gốm sứ trong nước và một số ít xuất khẩu.
Việc từng cá thể gia đình gộp chung lại thành một xí nghiệp đã thay đổi phương thức sản xuất, như trước đây chỉ làm bát bằng khuôn gỗ, vuốt tay, sau đổi thành khuôn thạch cao, làm bằng bàn máy.
Năm 1986, Bát Tràng đứng trước bước chuyển đổi mạnh mẽ. Phương thức kết hợp công tư hợp doanh như Xí nghiệp gốm xứ Bát Tràng và các HTX làm việc không hiệu quả, quay lại cho từng hộ gia đình kinh doanh cá thể hoặc chuyển thành các công ty cổ phần.
Trong kí ức của những cụ già ở Bát Tràng còn nhớ vào thời khắc năm 1958, Nhà nước làm đại công trình Bắc Hưng Hải đào sông để lấy nước tưới tiêu cho vùng đồng ruộng lớn của 3 tỉnh (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), Bát Tràng đã tự nguyện dâng nửa làng cho công trình, để thành con sông. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã về Bát Tràng để bổ những nhát cuốc đầu tiên. Hồi đấy cả làng nô nức kéo nhau đi xem như trẩy hội.
Cụ Thuận, một bô lão trong làng tự hào: “Làng mình trù phú là do cơ chế phát triển bắt buộc các công trình đầu tư về chất xám, công nghệ, mẫu mã thì mới như ngày nay. Cơ bản nhất là Bát Tràng được tiếng với cả thế giới. Trước đây và bây giờ, sản phẩm của Bát Tràng đều có trong bảo tàng của các nước châu Âu như: Pháp, Đức, Liên Xô...”.
Rồi cụ vui vẻ chỉ tay vào gian hàng của gia đình nói: “Trước đây người ta chỉ mua qua đại lý lớn, sau này đường sá đi lại thuận tiện, thông tin trên các phương tiện truyền thông nhanh nhạy, người ta về tận đây kí hợp đồng mua bát ăn, ấm chén, lọ hoa... phân phối cho trường học, bệnh viện, nhà ủy ban cho cả một xã, một huyện nào đấy. Việc mua tận gốc, bán tận ngọn, lợi nhuận cao hơn, giảm thiệt hại cho cả người mua lẫn người bán nên làng nghề càng nhộn nhịp, sầm uất như bây giờ”.
Bát Tràng trong kí ức người làng gốm
Các quần thể của làng gốm với gian hàng, cửa hiệu san sát cùng hàng nghìn mẫu mã phong phú, từ những con thú, lọ hoa, chén, bát, nồi đất nung, lư hương, đèn thơm tinh dầu, chậu hồ cảnh, tượng Phật, tượng La hán... kiểu dáng bắt mắt. Lạc vào đây như chốn mê cung đủ các vật dụng: từ con rùa sứ bé xíu với giá 7.000đ/con đến đôi bình có hoa văn tinh xảo độc đáo, cao trên 1 mét giá hàng chục triệu đồng. Những chiếc xe chở đồ vào ra liên hồi, trên xe là bình hoa, đôn, chậu cảnh, lư hương... với giá tiền từ bình dân đến cao cấp. Anh chủ sản xuất cho biết, sản phẩm mang đi chào hàng phần nhiều là giá mềm, hợp với thị hiếu, ai cũng mua được. Chỉ có một số sản phẩm cao cấp thường đem đi triển lãm ở các hội chợ xuân trong và ngoài nước.
Anh bảo: “Khách hàng giờ cũng kén lắm, mỗi người mười ý. Những sản phẩm gốm sứ cao cấp là họ phải tự đánh xe đến chọn xem có ưng không thì mới xuống tiền. Nhiều người đến đây muốn có sản phẩm độc nhất vô nhị, không đụng hàng, chúng tôi cũng sản xuất được nhưng phải đặt”.
Cô Đặng Thị Miên đang trông gian hàng gia đình, mắt hướng ra phố. Làng Bát Tràng vào những ngày giáp tết càng tấp nập, mưa xuân lây phây khiến không khí tết thêm cận kề. Nhà cô đến nay đã 4 đời theo nghề gốm, từ đời ông bà, sau này đến bố mẹ, giờ là cô và chồng, hiện nay con trai cũng tiếp tục theo nghề gốm.
Qua câu chuyện, cô chậm rãi nhớ về một thời quá vãng: Xưa kia, bố mẹ, ông bà có nghề gốm nhưng không giỏi bằng các cụ nghệ nhân nên gia đình cho cô theo học hai cụ nổi tiếng trong làng: cụ Khiếu, cụ Vấn. Hai cụ đấy mất đã lâu, nếu còn sống giờ cũng hơn trăm tuổi. Ngày đó, hai cụ kiểm tra tay, bảo xòe tay ra xem tay có mềm không. Có hoa tay nào không.
Hai cụ dạy cách nhào đất, vê con trạch sao cho thật tròn, đều. Hai cụ không lấy tiền công mà đổi lại, hai cụ có sở thích uống trà nên hằng ngày cô Miên khi đến học thì pha hai ấm trà, sáng một cữ, rồi chiều lại một cữ. Pha xong, đợi cho nước trà xanh vừa đủ độ rót ra chén bưng lên cho hai cụ.
Cô Miên kể: “Thời đó làm thủ công, có khi cả tuần mới ra được một lọ hoa, vì sau khi nặn vê con trạch thành khuôn xong thì phải đợi cho đất khô hẳn mới đưa vào lò nung. Làm khô xong cũng còn phải chỉnh sửa sản phẩm cho hoàn hảo mới mang ra sử dụng. Thời đại ngày nay thì mỗi ngày ra mấy mẻ hàng, không còn làm thủ công mà tất cả đã có máy. Có khi một mẻ hàng trong 1-2 ngày ra cả nghìn chiếc chén uống trà. Mỗi ngày một máy có thể ra được một đôi bình cao 1 mét, điều mà thời xưa khi các cụ nghệ nhân còn sống không bao giờ có cả”.
Chú nhà bên ngồi ở sân đang xếp lại mấy con giống, chép miệng nói với sang: “Nghệ nhân già dần dần mất cả, bây giờ cả làng còn lại được 2-3 người nhưng cũng ở tuổi gần đất xa trời. Nghệ nhân trẻ thì nhiều, cả làng đếm cũng cả chục nghệ nhân. Trẻ làm theo cách của họ, có khi “hót” thì hay nhưng có được hay không thì còn phải bàn”.
Lời chú có vẻ châm biếm, mỉa mai nhưng nói gì thì nói, Bát Tràng nhiều năm nay đã trở thành một trong những điểm văn hóa du lịch làng nghề nổi bật nhất của Việt Nam. Và, trên con đường hội nhập ra trường quốc tế không thể thiếu sự đóng góp của những người trẻ tâm huyết với nghề tổ - gốm sứ Bát Tràng.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/lang-gom-bat-trang-nhon-nhip-xuan-577992/