Tỉnh Bình Định được biết đến với làng hoa lâu đời như làng cúc Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), làng cúc Bắc Hà Thanh (TP Quy Nhơn), làng hoa vạn thọ ở huyện Phù Mỹ. Và nổi tiếng nhất đó là thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là thủ phủ mai vàng miền Trung.
Những ngày này, nông dân ở làng hoa của Bình Định tất bật, chạy đua với thời gian để chuẩn bị hoa vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. So với mọi năm, các nhà vườn cho hay năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, hoa phát triển tốt. Người làm vườn mong chờ tín hiệu tích cực từ việc tiêu thụ sản phẩm, mùa hoa tết sẽ đủ đầy hơn.
Những làng hoa ở Bình Định có một điểm chung là hình thành theo những dòng sông lớn. Làng cúc Bắc Hà Thanh bám rễ vào sông Hà Thanh, làng cúc Bình Lâm và làng mai ở An Nhơn dựa vào phù sa màu mỡ của dòng sông Kôn. Về Bình Định những ngày này là thời điểm thích hợp nhất để đi ngắm làng lúa, làng hoa mùa xuân. Ảnh:HỒ BẮC
Nhắc về làng hoa tết ở Bình Định, phần lớn nhiều người nghĩ ngay đến làng hoa mai ở thị xã An Nhơn với 1.500 hộ trồng mai tết. Hiện nay, thị xã An Nhơn quy hoạch vùng trồng mai tập trung với diện tích 145 ha, các nhà vườn cung cấp ra thị trường là khoảng 1,6 triệu chậu mai/năm.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, doanh thu từ bán mai tết hàng năm ở địa phương khoảng 80 tỉ đồng đến 100 tỉ đồng. Nghề trồng mai tết ở An Nhơn được công nhận là nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một vườn mai ở thôn Trung Định, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) nói: "Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho người trồng mai. Đây thời điểm các nhà vườn tập trung nhặt lá mai cây kịp bung nụ vào đúng Tết. Nhà vườn sẽ phân thành hai thời điểm nhặt lá mai. Những chậu mai vận chuyển ra phía Bắc ưu tiên hái lá trước. Đi về phương Nam khí hậu ấm hơn nên nhặt lá vào đầu tháng Chạp. Năm nay, nhà bà Huệ bán khoảng 500 chậu mai, chủ yếu bỏ sỉ cho các thương lái.
Nghề trồng mai ở An Nhơn là nghề truyền thống, nhiều gia đình có hai, ba thế hệ theo nghề trồng mai tết. Nhiều nhà vườn ở đây chia sẻ mai được giá mỗi mùa tết thu về từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng tùy theo quy mô của từng vườn.
Ở An Nhơn, ngoài mai tết truyền thống, một số nhà vườn tìm lối đi riêng bằng việc tạo dựng vườn mai theo kiểu riêng. Ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn mai bonsai Tuấn Ngọc (Thanh Liêm, Nhơn An, thị xã An Nhơn) chỉnh sửa cho chậu mai ưng ý nhất khu vườn. Theo chủ vườn mai này, mai bonsai bán theo hình dáng của cây, độ tuổi, độ đẹp của bộ rễ... giá bán cao hơn nhiều so với bán mai tết thông thường. Một chậu mai bonsai bán từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Một vườn mai tết bung nở sớm. Với các nhà vườn, tỉ lệ mai nở sớm nằm trong tính toán hao hụt của người làm vườn.
Ở Bình Định, ngoài hoa mai thì làng cúc Bình Lâm thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cũng là một làng hoa Tết có tiếng. Ở Bình Lâm có khoảng 300 hộ trồng cúc Tết. Với người dân ở đây, trồng cúc Tết "làm một vụ, ăn cả năm" nên việc đầu tư, chăm chút cho vườn hoa rất chu đáo. Một số hộ trồng hoa ở Bình Lâm đang chuyển dần sang các mô hình trồng hoa trong nhà kính để đảm bảo hoa sinh trưởng và phát triển tốt.
Thời điểm này, các nhà vườn trồng cúc ở Bình Lâm chuẩn bị các khâu cắm cành, chọn nụ cho cúc. Bà Lê Thị Cảnh (bên phải), một hộ trồng cúc ở Bình Lâm, cho biết đây là khâu cuối cùng hoàn thiện cho chậu cúc. Cúc đều nhánh hay không, nở đẹp hay không quan trọng vào giai đoạn tuyển cành, chọn nụ. Hiện nay, cúc tết Bình Lâm đã được các thương lái đặt mua sỉ tại vườn.
Theo các nhà vườn ở Bình Lâm, từ đầu tháng Chạp tới rằm tháng Chạp là thời điểm làng cúc chộn rộn nhất. Đây là lúc các nhà vườn chạy đua với thời gian để hoàn thành các khâu cuối cùng trong việc tạo dáng cho hoa, trước khi thương lái tới thu mua.
Dù sinh sau đẻ muộn, làng hoa cúc Bắc Hà Thanh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trở thành một làng hoa có tiếng. Người trồng hoa cúc ở Hà Thanh khéo léo xoay sở để làm những vườn hoa phù hợp, tạo thành một làng hoa trong lòng phố.
Ông Nguyễn Minh Hậu (46 tuổi, chủ vườn hoa ở Bắc Hà Thanh) cho biết năm nay ông trồng 500 chậu cúc vàng pha lê và đại đóa, ngoài ra còn trồng thêm 1.000 chậu cúc mâm xôi. Theo ông Hậu, giá cúc mâm xôi bán sỉ tại vườn từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/chậu. Các loại cúc vàng như pha lê và đại đóa thì giá bán sỉ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/chậu.
Ngoài hoa cúc, các nhà vườn đa dạng sản phẩm bằng cách trồng thêm các loại hoa trang trí, hoa treo như dạ yến thảo, phù dung, đồng tiền lùn. Ông Trần Bá Đạo, chủ vườn hoa (Bình Lâm) cho hay, ngoài cúc vàng hiện vườn có trồng thêm các hoa treo để phục trang trí, thêm lựa chọn cho khách hàng.
Cùng với mai vàng, cúc vàng thì vạn thọ cũng là một trong những loài hoa mà các nhà vườn ở Bình Định trồng số lượng lớn phục vụ Tết.
Ở Bình Định, vạn thọ được trồng nhiều ở các làng hoa dọc theo các xã Mỹ Trinh, Mỹ Lộc, Mỹ Hiệp của huyện Phù Mỹ. Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc mua bán hoa tết có phần trầm lắng. Năm nay, các nhà vườn ở Bình Định hy vọng có mùa hoa tết thuận lợi hơn.