Làng hoa, cây kiểng Bến Tre hối hả đón Tết
Làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) là một trong những làng nghề truyền thống lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi cung ứng hàng triệu sản phẩm mỗi dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời tiết bất lợi nhưng người dân làng hoa vẫn duy trì sản xuất để cung ứng cho thị trường cả nước.
Làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) là một trong những làng nghề truyền thống lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi cung ứng hàng triệu sản phẩm mỗi dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời tiết bất lợi nhưng người dân làng hoa vẫn duy trì sản xuất để cung ứng cho thị trường cả nước.
Những ngày này, đi dọc các con đường lớn, nhỏ ở huyện Chợ Lách sẽ bắt gặp nhiều loại hoa khoe sắc. Người dân lo tập trung chăm sóc những công đoạn cuối để chuẩn bị mang hoa ra chợ bán. Mới sáng sớm, hai vợ chồng ông Trần Văn Đấu, ngụ xã Long Thới (huyện Chợ Lách) tất bật chăm sóc 1.500 giỏ cúc mâm xôi vừa mới ra nụ. Toàn bộ diện tích 800 m2 quanh nhà được ông tận dụng để trồng hoa bán Tết, mang lại thu nhập khá cao cho gia đình. Ông Đấu cho biết: “Trồng hoa cúc mâm xôi phải chuẩn bị trước khoảng sáu tháng để gieo hạt, chăm sóc và xử lý cho hoa ra đúng dịp Tết. Thu nhập chủ yếu của gia đình trông chờ vào vụ hoa Tết nhưng năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên người trồng hòa ở làng nghề truyền thống này rất lo lắng về thị trường tiêu thụ”. Hiện tại, hầu hết người dân đều bán qua thương lái. Tình hình kinh tế năm nay khó khăn nên hầu hết người trồng hoa đều sản xuất ít hơn năm rồi.
Tại làng hoa kiểng xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) , bà con đang phục hồi sản xuất cây giống, hoa kiểng Tết sau đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua. Năm nay, gia đình ông Nguyễn Minh Luân không xử lý quất kiểng ra quả bán Tết mà chỉ tập trung vào sản xuất hoa vạn thọ, ớt kiểng, quýt kiểng... Nguyên nhân do đợt hạn mặn cách đây mấy tháng ngay thời điểm xử lý cho cây quất kiểng ra hoa, hầu hết người dân không đủ nước tưới mà chủ yếu dưỡng cây cho Tết năm sau. Tuy nhiên, lo lắng nhất của bà con trồng hoa, cây kiểng hiện nay là thị trường tiêu thụ. Ông Luân cho biết: “Năm nào gia đình cũng chở hoa, cây kiểng sản xuất được lên chợ hoa tại TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để bán Tết. Năm nay, đã đăng ký sạp rồi nhưng ban quản lý chợ thông báo nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cấm tụ tập đông người sẽ không cho bán và trả tiền thuê sạp lại nên bà con rất lo lắng. Mọi người đều mong chờ dịch bệnh đi qua để mang hàng ra chợ bán trong dịp Tết sắp tới”.
Một số hộ dân chọn bán qua thương lái để giảm rủi ro. Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ xã Vĩnh Thành đã ký hợp đồng với thương lái ở Hà Nội để bán gần 1.000 chậu mai trong dịp Tết sắp tới. Ông Hậu cho biết: “Bây giờ gia đình đang chăm sóc mai để chờ thương lái đến chuyển ra miền bắc tiêu thụ nhưng chưa biết có lấy hàng không do dịch bệnh phức tạp. Nếu thương lái không lấy hàng thì mình cũng đành chịu vì đây là tình hình chung”. Theo ông Hậu, năm nay do hạn mặn nên một số cây mai đã bị thiệt hại, số còn lại phải xử lý tốn nhiều chi phí nên người trồng cây mai không có lời nhiều.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Trần Văn Thành cho biết: “Toàn xã có gần 1.000 ha đất trồng cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng năm rồi đã bị thiệt hại hơn 200 ha với tổng số tiền ước tính khoảng 95 tỷ đồng. Hiện tại, người dân đang khôi phục sản xuất các sản phẩm hoa, cây kiểng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới”.
Tại làng hoa giấy Lân Đông (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) cũng đang hối hả chuẩn bị hơn 700 nghìn sản phẩm phục vụ thị trường Tết. Hiện tại, làng nghề này có hơn 100 hộ tham gia sản xuất hoa giấy với khoảng 37 ha. Gia đình ông Nguyễn Văn Xuyên đang sản xuất 1.200 chậu hoa giấy ghép với ba màu: hồng, trắng, đỏ chuẩn bị bán Tết. Ông Xuyên cho biết: “Hiện tại thương lái đã đến nhà vườn đặt cọc, người dân chỉ việc chăm sóc để chờ thương lái đến chở đi tiêu thụ. Một số hộ đã bán cho thương lái sớm hơn mọi năm do lo sợ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ vận chuyển khó khăn”. Địa phương cũng đang phát triển làng nghề truyền thống này gắn với du lịch để tăng thu nhập cho bà con trồng hoa.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay, bà con trong huyện sản xuất khoảng 17 triệu hoa, cây kiểng các loại phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, số lượng cây kiểng như: mai, hoa giấy, bon sai... vẫn giữ như năm rồi nhưng sản phẩm hoa có giảm chút ít do người dân lo sợ dịch bệnh, kinh tế khó khăn sức mua sẽ giảm, khó tiêu thụ. Ngoài việc lo sợ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người làng hoa còn lo ảnh hưởng của thời tiết bất lợi như mưa trái mùa, thiếu nước tưới do hạn mặn...”. Hiện ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời, sản xuất đa dạng các sản phẩm để phục vụ thị trường Tết. Việc tiêu thụ sản phẩm ngoài bán qua thương lái, các chợ hoa truyền thống thì cũng nên mở rộng bán kênh online, giao hàng tận nơi cho khách hàng...