Làng hoa Mỹ Tho: Đời người, đời hoa
Ở miền Tây Nam bộ, có những làng hoa hình thành và phát triển đến nay đã hơn 100 năm, trong đó có làng hoa Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Dù lắm nỗi nhọc nhằn nhưng bà con trồng hoa vẫn thủy chung với nghề với niềm tin mang lại cái đẹp cho đời, sự giàu có cho người và sự phồn thịnh cho xứ sở...
Các lão nông trong vùng kể rằng, làng hoa xuất hiện trên đất Mỹ Tho từ trước năm 1975 và ban đầu chỉ vài trăm chậu. Hiện, làng hoa Mỹ Tho đã phát triển hơn một triệu chậu hoa các loại vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Theo nhiều bậc cao niên tại làng hoa Mỹ Tho, từ lúc hình thành cho đến nay, nhiều gia đình có đến bốn, năm thế hệ gắn bó với nghề trồng hoa. Như nhiều nghề khác, với nghề trồng hoa, nhất là sản xuất vụ tết, có những vụ thắng đậm, cũng có khi thất bát. Để sang một bên những thăng trầm của thị trường, niềm vui của người trồng hoa luôn trọn vẹn khi trao cho khách hàng những chậu hoa đẹp mà mình đã vất vả tạo ra...
Ông Nguyễn Văn Phước, 82 tuổi, ngụ ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, là một trong những người đầu tiên trồng hoa số lượng lớn ở TP. Mỹ Tho. Lớn tuổi, ông Phước không còn trực tiếp trồng nhưng vẫn là “cố vấn” cho các con. Gia đình ông Phước có 7 người con thì đến 6 người theo nghiệp trồng hoa của ông và rất thành công.
Với nhiều nông hộ như gia đình ông Phước, hiện làng hoa Mỹ Tho khá trù phú, mở rộng ở các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Trung An, Phước Thạnh, phường 9... Do nắm vững kỹ thuật canh tác, nên hoa tết được trồng tại làng hoa Mỹ Tho luôn tốt tươi và trổ hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền hằng năm. Sản lượng hoa tết từ làng hoa Mỹ Tho cung cấp cho thị trường hơn một triệu giỏ mỗi năm.
Từ tờ mờ sáng, gia đình bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, ngụ ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong đã có mặt tại ruộng hoa để bắt đầu một ngày lao động.
Bật đèn pin rọi một vòng ruộng hoa, bà Kiều cho hay: “Nghề trồng hoa đã gắn bó với gia đình từ thời ông nội, cha và bây giờ đến tôi”.
Hằng ngày, bà Kiều cùng 4 nhân công chăm sóc hoa trực tiếp từ 6 giờ sáng cho đến chập tối. Để hạn chế sâu, bệnh hại, một, hai ngày, bà Kiều lại phun xịt thuốc trừ sâu, bệnh. Có hôm, gần nửa đêm bà mới về nhà nghỉ ngơi và khoảng 4, 5 giờ sáng hôm sau lại phải bắt đầu ra ruộng hoa...
“Theo nghề trồng hoa tết cực lắm. Hằng ngày phải chăm sóc hoa dưới trời nắng thì cây mới phát triển tốt, ngày ngày, phải tỉ mẩn từng chút một. Vất vả là vậy, nhưng nghề này đã thấm vào máu thịt, không thể nào bỏ được, dù có một thời gian tôi từng chuyển nghề khác”, bà Kiều chia sẻ.
Nhiều năm trong nghề trồng hoa tết, ông Bảy Nhung (Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi xã Mỹ Phong đã trở nên khấm khá. Theo ông Bảy Nhung, trồng hoa tết ít khi nào bị lỗ. Người nào trồng tệ lắm thì hết vụ tết cũng phá huề. Ông Bảy Nhung tính, trung bình mỗi giỏ hoa chi phí đầu tư chiếm khoảng 60%, còn lại lời 40%. “Nếu ai làm đạt, bán được giá cao và tận dụng được công lao động ở nhà thì lãi còn nhiều hơn”, ông Bảy Nhung khẳng định.
Ông Bảy Nhung cho biết thêm, trước đây nhiều tổ viên trong tổ hợp tác chưa trồng hoa, cuộc sống rất bấp bênh. Từ khi tổ viên tham gia trồng hoa cuộc sống đã khá giả hơn. Nghề trồng hoa tết tiếng là nghề hái ra tiền, lời cao, trúng đậm. Nhưng ít ai biết, để được mùa bội thu nông dân phải dãi nắng, dầm sương suốt nhiều tháng. “Phải thức khuya, dậy sớm để phun thuốc và tưới phân, lặt chèo, cắt cơi, tưới nước... Tuy cực nhưng cuối năm bán được nhiều tiền, thấy ham lắm!”, ông Bảy Nhung bộc bạch.
Theo ông Bảy Nhung, để trồng hoa tết, từ khi ra Giêng hoa được chọn nhân giống sẽ được trữ, dưỡng gốc. Đến mưa đầu mùa, khoảng tháng 3, 4 âm lịch, người trồng cắt ngang thân cây cho nảy tược. Đến rằm tháng 5 (âm lịch), cây cho nhánh con, nông dân lấy nhánh con này trồng xuống đất và đến rằm tháng 8, cho cây vào chậu để bán dịp tết. “Để đảm bảo hoa đẹp, to phải lặt chèo, cắt cơi. Và quan trọng nhất là cây giống phải khỏe, sạch bệnh”, ông Bảy Nhung cho biết.
Ông Bảy Nhung bộc bạch: “Hằng năm, mỗi khi Tết Nguyên đán đến không trồng hoa không được, trồng riết thành ghiền. Mỗi năm, gia đình phụ thuộc rất nhiều vào vụ hoa tết, đây được xem là “chén cơm” nuôi sống gia đình”.
Mỗi vụ tết, Tổ hợp tác sản xuất hoa tươi xã Mỹ Phong cố gắng liên hệ với các thương lái mua hoa cho nông dân. Theo ông Bảy Nhung, đây là vụ hoa lớn nhất, được kỳ vọng nhất trong năm. Nếu không có đầu ra, cũng như việc trồng hoa không có lãi sẽ khó giữ chân nông dân gắn bó với tổ hợp tác, nông dân sẽ bỏ nghề. Làng hoa Mỹ Tho sẽ mất đi nét đẹp truyền thống mỗi khi tết đến, xuân về.
Thời điểm này khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề. Trong những ngày này, nông dân ở làng hoa Mỹ Tho đang rất tất bật với việc chăm sóc hoa cho thật đẹp, ra hoa trúng dịp tết để có nguồn thu nhập cao và góp phần làm đẹp mùa xuân.
Tuy công việc khá vất vả nhưng bà con làng hoa Mỹ Tho rất vui vì ruộng hoa phát triển xanh tươi, thương lái xa gần đổ xô đến tham quan, đặt hàng mua, hứa hẹn mùa bội thu. Mỗi dịp xuân về, tết đến, hoa ở làng hoa Mỹ Tho được chính bàn tay lao động cần cù, chăm chỉ của bà con nông dân đã cho ra những chậu hoa tươi, rực rỡ sắc màu, góp phần tô đẹp cho mùa xuân thêm vui tươi, ấm áp.
Hằng năm, từ khoảng 20 tháng Chạp, làng hoa Mỹ Tho bắt đều trở nên nhộn nhịp. Những chậu hoa được gói kỹ bởi sự tỉ mỉ, cần mẫn của người trồng hoa trước khi chuyển đi tiêu thụ. Xe đẩy hoa tấp nập vận chuyển hoa từ trong vườn ra các trục lộ. Xe tải từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh vào thu mua hoa. Xe ba gác, xe máy... vận chuyển hoa đến các chợ nông thôn để tiêu thụ. Nhiều người lao động có thêm việc làm vào mùa tết từ công việc vận chuyển hoa này, tạo nên không khí tết càng thêm sôi động.
TK
(Theo baoapbac.vn)
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/lang-hoa-my-tho-doi-nguoi-doi-hoa/206735.htm