Làng hoa Tây Tựu: Phấn khởi được giá vụ Tết
Những ngày này người dân trồng hoa tại làng Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang tất bật thu hoạch vụ sát Tết khi giá hoa bắt đầu tăng.
Làng hoa Tây Tựu hiện còn khoảng 200ha đất trồng hoa nhưng các thửa ruộng đang dần bị thu hẹp, người dân muốn mở rộng việc trồng hoa phải đi thuê đất ở các vùng lân cận như Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Cát Quế, Dương Liễu, Sơn Tây.
Có hơn 2 sào trồng cúc vàng, Bà Nguyễn Thị Thu (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cùng chồng và con gái ra ruộng thu hoạch, người hái hoa, người bó, người chăm hoa cho vụ Tết.
Bà Thu cho hay, tháng trước hoa cúc tại vườn giá rẻ bèo, thời gian đầu mỗi bó 50 bông có giá 50 nghìn đồng/bó, sau đó không ai mua. Thời điểm đó bán không ai mua, cho không ai lấy, phải mang về về phơi đốt bỏ. Cúc năm nay nở đều, đẹp hơn năm ngoái do thời tiết ủng hộ, hiện sau khi trồng mới, gia đình bà Thu có khoảng hơn một sào để chuẩn bị cho vụ Tết.
“Chủ yếu bây giờ lấy công làm lãi, nông dân phải phụ thuộc vào thời tiết, nếu từ giờ đến khi thu hoạch vẫn giữ được độ lạnh thì hoa kéo dài được thời gian nở, còn thời tiết nắng hoa sẽ nở bung hết, bây giờ giá ổn định, người dân cũng thấy phấn khởi”, bà Thu cho hay.
Cũng theo một số người dân trồng hoa tại đây, giá hoa cúc đã ổn định, hiện giá hoa cúc tại ruộng khoảng 120 nghìn đồng/bó/50 bông, có vườn hoa nở đều, to, đẹp cũng bán được 150 nghìn đồng/bó/50 bông.
Thời tiết những ngày qua tại miền Bắc đang diễn biến thất thường, ruộng trồng hoa làng Tây Tựu thấp, trũng, chủ yếu trông chờ thời tiết giữ nguyên độ lạnh để kéo dài thời gian nở của hoa. Có vườn vẫn phải thắp điện, phun thuốc chống rụng lá và tưới liên tục để đảm bảo độ ẩm cho hoa nở.
Mất trắng hơn 2 sào vụ trước, gia đình anh Nguyễn Minh Tâm (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) trồng mới được hơn một nửa ruộng. Tất bật tưới hoa, phun thuốc để thu hồi lại vốn vụ trước mất giá.
Anh Tâm cho biết, hiện giá hoa chưa ổn định nên vẫn còn phải lo lắng nhiều, để đất không thì phí, trồng mới sợ mất giá không bán được. Hiện hơn một sào chủ yếu là hoa cúc vàng mong muốn giá giữ nguyên đến Tết chỉ mong thu hồi lại vốn của vụ trước.
“Nông dân không trồng thì không biết làm gì, vất vả cả năm trông chờ vào vụ Tết, giờ chúng tôi ở ngoài ruộng, tất bật để chuẩn bị cho vụ Tết năm nay”, anh Tâm cho hay.