Làng Kẻ Sặt ngày ấy - bây giờ

Bên cạnh những khu phố sầm uất, nhộn nhịp, ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) vẫn có những khu phố bình yên với những con ngõ cổ kính.

Những con ngõ ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) vẫn giữ được tên chữ Nho

Những con ngõ ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) vẫn giữ được tên chữ Nho

Người dân thị trấn Kẻ Sặt vẫn tự hào vì không gian, hồn cốt, văn hóa làng Sặt vẫn còn được lưu giữ theo thời gian.

“Mỹ tục khả phong”

Chúng tôi đến nhà cụ Phạm Văn Phụng, 87 tuổi, ở khu Trung, thị trấn Kẻ Sặt - một người làng Sặt chính gốc, am hiểu về văn hóa, phong tục địa phương. Nhấp chén nước chè, cụ Phụng mở đầu câu chuyện: “Ở đây, chúng tôi vẫn quen gọi là làng Sặt, cũng có khi gọi phố Sặt nhưng ít gọi như thế vì tên làng có trước, phố Sặt có sau. Phố Sặt có cách đây mới chừng 100 năm. Dù bây giờ có tên gọi các khu phố nhưng trong câu chuyện hằng ngày, nhiều người ở Kẻ Sặt vẫn phân định trên làng, dưới làng”.

Theo cụ Phụng, so với một số làng xung quanh thì làng Sặt có sau nhưng lại phát triển nhanh hơn. Với những thuận lợi về giao thông do nằm cạnh quốc lộ 5, quốc lộ 38 và sông Sặt, Kẻ Sặt trở thành nơi giao thương sầm uất, trung tâm chính trị, kinh tế của huyện, nhất là từ sau năm 1925 khi phủ lỵ Bình Giang chuyển từ thôn Ninh Bình, xã Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học) lên khu Kẻ Sặt.

Trước đây, làng Sặt thuộc xã Tráng Liệt Bình, tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang. Người dân thị trấn Kẻ Sặt vẫn truyền tai nhau câu nói: “Kẻ Sặt, Châu Khê mỹ tục khả phong”, ý nói người làng Kẻ Sặt, Châu Khê có nhiều phong tục hay, đối nhân xử thế hay cách ăn uống, nói năng nền nếp. Những phong tục này được thể hiện trong bản hương ước của làng.

Nghề truyền thống làm bánh đa gấc được gìn giữ và phát triển

Nghề truyền thống làm bánh đa gấc được gìn giữ và phát triển

Rồi cụ Phụng lấy cho chúng tôi xem một cuốn tài liệu viết bằng chữ Hán. Toàn bộ hương ước gồm 28 trang, trong đó 27 trang đầu là nội dung hương ước được soạn năm 1887, thời Đồng Khánh, trang cuối ghi năm sao chép lại (năm Bảo Đại thứ 7, tức năm 1942 tính theo thời điểm vua Bảo Đại chính thức đăng cơ), có chữ ký và đóng dấu của lý trưởng bằng mực xanh dấu vuông và của tiên chỉ bằng mực xanh dấu tròn. Hương ước gồm 57 điều. Mỗi điều có hai nội dung: trước là quy định một vấn đề cụ thể, sau là quy định hình phạt. Dù là làng Công giáo nhưng Kẻ Sặt vẫn giữ được nhiều thiết chế làng Việt truyền thống, coi trọng, phát triển các giá trị văn hóa, nhân văn và nguồn cội.

Trích đoạn của hương ước “Cách cư xử trong hương đảng phải phù hợp ổn thỏa, trên hòa dưới mục, dùng ân đức mà yêu thương lẫn nhau, dùng lễ nghĩa mà nhường nhịn nhau, bảo vệ giúp đỡ nhau, giúp nhau để làm rạng mối quan hệ thân thiết thuận hòa…” thể hiện sự coi trọng đoàn kết trong thôn xóm.

Một số điều của hương ước cũng thể hiện làng vừa tôn trọng bậc cao tuổi, trưởng thượng vừa tôn trọng bậc học hành khoa cử: "Lệ tôn ti có thứ tự thì trên dưới hòa hợp, hương đảng được duy trì; lệ kẻ có vị thứ thấp sao dám làm loạn, gây rối. Trong xã người nào là người có danh, văn từ tú tài trở lên, võ từ suất đội trở lên, các tiết hội họp yến ẩm trong đình nên được kính trọng mời lên bàn nhất để người thấp kém tỏ được sự tôn quý. Ngoài ra, văn ban 1 vị, võ ban 1 vị tuổi cao có đức hạnh và tuổi cao thành thực cùng ngồi bàn nhất".

Những ngôi nhà cổ với thiết kế 3 gian trong lòng thị trấn

Những ngôi nhà cổ với thiết kế 3 gian trong lòng thị trấn

Kiến trúc văn minh

Trước đây, làng Sặt chia thành các khu có tên ngõ theo chữ Nho như khu Thượng, khu Trung, khu Hạ, khu An Quý… có tên các ngõ. Việc đặt tên các ngõ cũng được quy định chặt chẽ, ví dụ khu Thượng sẽ lấy chữ Chính (ngõ Đông Chính, Quy Chính, Trung Chính, Quang Chính…), khu Trung lấy chữ Xuân (Tân Xuân, Tràng Xuân, Đồng Xuân, Lạc Xuân…), còn khu Hạ lấy chữ Hòa (Hợp Hòa, Hạ Hòa…). Đến bây giờ, tên gọi của các ngõ này vẫn còn.

Việc bố trí không gian kiến trúc ở đây cũng được thiết kế khoa học theo kiểu bàn cờ. Nếu người lạ đến Kẻ Sặt chưa rõ đường đi lối lại, cứ nhìn theo hướng nhà thờ lớn ở trung tâm, rồi theo hướng đó ra các đường chính.

Trước đây, nhà ở thị trấn Kẻ Sặt đều có thiết kế 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ Chúa, bàn tiếp khách, gian bên phải hoặc bên trái đặt bàn thờ tổ tiên. Bây giờ, nhiều ngôi nhà ở thị trấn vẫn giữ được thiết kế này. Những ngôi nhà mới xây thì có thiết kế nhà ống, nhà mái thái hoặc biệt thự.

Bà Vũ Thị Thanh Mai, công chức văn hóa – xã hội thị trấn Kẻ Sặt cho biết với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thị trấn Kẻ Sặt ngày càng phát triển. Phố cũ được nâng cấp, phố mới hình thành ngày càng nhiều và khang trang, hiện đại. Đường sá được mở rộng, đẹp đẽ hơn. Chợ Sặt vẫn nổi tiếng cả vùng, không còn họp theo phiên nhưng ngày nào cũng sầm uất và náo nhiệt. Người Kẻ Sặt làm đa dạng các ngành nghề, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, buôn bán. Những ngành nghề truyền thống của quê hương còn lưu giữ và phát triển như nghề cơ khí, nghề làm bánh đa gấc...

Kẻ Sặt mang một diện mạo đô thị với dân cư sầm uất, kinh tế sôi động hòa vào những nét cổ kính, mang hồn cốt của làng Việt. Với tinh thần đoàn kết lương giáo, sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước", người Kẻ Sặt cần cù, năng động xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/lang-ke-sat-ngay-ay---bay-gio-229316