Lăng kính chứng khoán 22/7: Thị trường vẫn còn nhiều điểm sáng

Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia chứng khoán cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ, nhà đầu tư cần chọn 'đúng ngành', 'đúng cổ phiếu' để quyết định tới khả năng sinh lời.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá tiêu cực khi liên tục hứng chịu các phiên giảm điểm.

Kết tuần, VN-Index giảm 15,97 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,25% xuống 1.264,78 điểm. HNX giảm 1,84% xuống 240,52 điểm.

Tuần qua, HVN, GVR, BID là các nhân tố gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, MBB, CTG, ACB, VHM là các mã chính hỗ trợ thị trường.

Khối lượng giao dịch tăng thể hiện áp lực bán mạnh dàn trải ở nhiều nhóm cổ phiếu. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 757 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 777 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 60 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 80 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tâm điểm bán ròng là cổ phiếu MSN với giá trị 483 tỷ đồng.

Khó xuất hiện nhịp chỉnh sâu

Đánh giá về diễn biến tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng, dù trải qua một tuần giảm điểm, nhưng thị trường vẫn còn nhiều điểm "sáng".

Thứ nhất, đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Fed phát đi tín hiệu rõ rệt hơn về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành và động thái bắt đáy của khối ngoại trong 2 phiên giữa tuần.

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).

Song, dòng tiền cũng không có dấu hiệu rút ra mà phân hóa giữa các nhóm ngành. Đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã thu hút dòng tiền trở lại trong bối cảnh "tín dụng bắt đầu chạy" và kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng thương mại dần được hé lộ.

Đây là những cơ sở để kỳ vọng rằng thị trường khó xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu và vùng 1.250 điểm (+/- 10 điểm) sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index. Tuy vậy ở chiều ngược lại, thị trường cũng đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn.

Cần chọn đúng ngành, đúng cổ phiếu

Ông Hinh dự báo, trong kịch bản cơ sở, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ và việc chọn "đúng ngành", "đúng cổ phiếu" sẽ có vai trò quyết định tới khả năng sinh lời.

"Nhịp điều chỉnh lần này sẽ là cơ hội để nhà đầu tư đánh giá lại và chủ động cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Nhà đầu tư nên cân nhắc thoái vốn tại các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua và không còn định giá "rẻ" để chuyển sang những ngành, cổ phiếu còn định giá hấp dẫn và đi kèm với triển vọng kinh doanh đang cải thiện, tiêu biểu như nhóm tài chính-ngân hàng và một số doanh nghiệp xuất khẩu", chuyên gia từ VNDIRECT đưa ra khuyến nghị.

Còn chuyên gia từ CTCK Sài Gòn -Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn, xu hướng của VN-Index trở nên kém tích cực khi không giữ được vùng hỗ trợ quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất, dẫn đến chịu áp lực bán mạnh về vùng hỗ trợ quanh 1.255 điểm mới phục hồi nhẹ.

Mức phân bổ của thị trường trong tuần qua (Nguồn: VNDIRECT).

Mức phân bổ của thị trường trong tuần qua (Nguồn: VNDIRECT).

Trong trường hợp tích cực, VN-Index cần giữ được vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, tương ứng vùng hỗ trợ của đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023, 4/2024 và 7/2024 kéo dài hiện nay, sau đó vượt lên vùng kháng cự quanh 1.285 điểm, tương ứng đường kháng cự nối các vùng giá cao nhất ngày 16/6/2024 và 10/7/2024.

"Ngắn hạn thị trường có diễn biến rất kém tích cực đối với nhiều mã, thể hiện tính chất phân hóa mạnh giữa các mã vốn hóa lớn với vốn hóa trung bình, nhỏ, giữa các mã đầu ngành, các mã cơ bản tốt, duy trì tăng trưởng với các mã chưa cải thiện tốt. Nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư chờ các thông tin kết quả kinh doanh để cập nhật các yếu tố cơ bản", ông Phan Tấn Nhật – Trưởng nhóm phân tích SHS đại diện nhóm nhận định.

Nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện, thì chuyên gia SHS cho rằng VN- Index ở vùng giá quanh 1.250 điểm vẫn là vùng giá hợp lý để xem xét và kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỉ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý.

Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.

Khi VN-Index tiếp tục điều chỉnh, trường hợp tỉ trọng dưới mức trung bình, có thể xem xét giải ngân khi VN- Index về quanh vùng 1.250 điểm. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-22-7-thi-truong-van-con-nhieu-diem-sang-204240721151859814.htm