Lăng kính chứng khoán 28/8: Tận dụng nhịp rung lắc để giải ngân

VN-Index sẽ sớm bước vào nhịp tăng trong ngắn hạn, nhà đầu tư chứng khoán nên tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân với nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Thị trường phiên 27/8 "xanh vỏ đỏ lòng" khi nhóm Vingroup là động lực chính khiến chỉ số giữ được mức tăng nhẹ. Điểm sáng của phiên giao dịch đến từ nhóm công nghệ thông tin và bất động sản khi vẫn duy trì dòng tiền và trạng thái giao dịch tốt, còn lại các ngành khác đều có dấu hiệu suy yếu.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng các phiên phân phối và cần có biện pháp phòng vệ cho tài khoản; hạ tỉ trọng và chờ đợi các cơ hội rõ ràng khi VN-Index vượt 1.300 điểm hoặc lùi về vùng giá 1.220 – 1.250 điểm.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 27/8 (Nguồn: FireAnt).

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 27/8 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, hầu hết các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tại khu vực kháng cự.

Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã ở mức thấp và bắt đầu cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, cho thấy VN-Index sẽ sớm bước vào nhịp tăng trong ngắn hạn.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng tài khoản, tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân gia tăng tỉ trọng đối với các nhóm ngành đang có xu hướng tích lũy tốt như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.

Chứng khoán Asean (Aseansc):Tâm lý chờ đợi và quan sát trước lễ có thể gia tăng. Thị trường có xu hướng tiếp tục duy trì vận động trên vùng 1.270 điểm với sự luân phiên giữ nhịp của nhóm cổ phiếu lớn.

Lo ngại rủi ro tiềm tàng đến từ khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ nhưng nền kinh tế trong nước cho thấy tín hiệu cải thiện.

Aseansc đánh giá rất tích cực triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước, nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng ổn định tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh và triển vọng lợi nhuận tốt, nhịp rung lắc trong ngắn hạn (quanh vùng 1.270 điểm) sẽ là cơ hội cơ cấu danh mục.

Khuyến nghị đầu tư

- GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam): Chờ mua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 7/2024 giảm 15,3% về lượng nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu tháng 7 tăng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, bình quân đạt 1,655 USD/tấn (tăng 27% so với cùng kỳ, tăng 3% so với tháng trước).

TCBS dự báo mảng cao su của GVR dự kiến sẽ được hưởng lợi từ giá cao su vẫn đang trên đà tăng, nguồn cung khan hiếm từ các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới, đồng thời nhu cầu thường cao vào cuối năm do tính mùa vụ; nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi thị trường điều chỉnh.

- PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận): Chờ bán.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24.621 tỷ đồng (tăng30,8% so với cùng kỳ) và 1.218 tỷ đồng (tăng4% so với cùng kỳ). Biên lãi gộp ở mức 16,4%, giảm so với mức 18,7% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, công ty mở mới 17 cửa hàng và đóng 8 cửa hàng. Mảng trang sức bán lẻ và bán sỉ đều có sự tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, lần lượt tăng 14,6% so với cùng kỳ và 24,7% so với cùng kỳ.

Theo TCBS, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-28-8-tan-dung-nhip-rung-lac-de-giai-ngan-204240827195419087.htm