Lăng kính văn hóa: '5 dễ' thực chất để dân hài lòng

Sở hữu ngôi nhà ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã nhiều năm, nhưng đến nay, anh Quốc vẫn chưa thể làm sổ đỏ cho tài sản của mình. Các thủ tục lằng nhằng, quá khó hiểu nên 3 lần ra phường xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh Quốc đều chán nản ra về. Một hành trình gian nan, mệt mỏi khi thực hiện quyền lợi chính đáng của mình là câu chuyện không riêng của anh Quốc, mà nhiều hộ dân tại các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây... cũng đang vướng phải.

Do vậy, việc cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC) và chú trọng đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết TTHC, công khai, minh bạch được đề cập tại Hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính TP Hà Nội” do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức khiến nhiều người vui, nhưng chưa hẳn ai cũng vội mừng. Bởi hướng tới “5 dễ” cho người dân (dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý) như ý kiến của lãnh đạo UBND TP Hà Nội nêu ra tại hội thảo xem ra không dễ. Thực tế, có nhiều quy trình đã được luật hóa, rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, nhiều công văn đốc thúc đơn giản hóa TTHC đã được ban hành, nhưng khi đi vào cuộc sống lại gặp không ít trở ngại, khó khăn. Theo các quy định hiện nay, nhiều TTHC, trong đó có việc cấp sổ đỏ lần đầu khá đơn giản với quy trình, thủ tục rõ ràng, thời hạn rất ngắn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, dù thực hiện “một cửa” nhưng không ít cán bộ vẫn “đẻ” ra “nhiều khóa” bằng việc hướng dẫn thủ tục không đầy đủ, không giải quyết hồ sơ đúng hạn, thậm chí cố tình gây khó để mong được người dân "bôi trơn".

 Cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu quản lý và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: chinhphu.vn

Cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu quản lý và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: chinhphu.vn

Để người dân hài lòng không thể chỉ là những lời nói tại hội nghị, chính sách nằm trên những văn bản hay ý chí của riêng người lãnh đạo mà cần sự thấu hiểu, đồng lòng và quyết tâm thực hiện của cả bộ máy công quyền. Chính quyền không chỉ cần cải thiện chất lượng dịch vụ công, tăng cường công khai, minh bạch để phục vụ người dân và doanh nghiệp mà còn cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, tận tâm phục vụ nhân dân. Nếu mỗi cán bộ, công chức không nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm vì dân thì “5 dễ” khó khả thi, khó đi vào cuộc sống.

Người xưa có câu “Nói chín thì nên làm mười/ Nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Nói thì dễ, đưa ra phương châm "thuận tai" cũng không khó. Cái khó là ở sự thực lòng, thực chất của những người trực tiếp giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Thời đại 4.0 hiện nay, người dân có phương tiện công nghệ thông minh để có thể theo dõi, giám sát lời nói, việc làm của cán bộ, công chức có phù hợp, nhất quán hay không. Do đó, khẩu hiệu hay, phương châm tốt chỉ thực sự giá trị khi người dân, doanh nghiệp được giải quyết mọi TTHC nhanh gọn, tiện lợi, hanh thông, suôn sẻ.

Muốn huy động được sức mạnh nhân dân, làm cho mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được dân tin tưởng thì cần chú trọng vun gốc từ sự hài lòng của người dân. Để củng cố, gắn kết niềm tin giữa chính quyền với người dân thì trước hết, cán bộ, công chức phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

THU HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-5-de-thuc-chat-de-dan-hai-long-755622