Lăng kính văn hóa: Cắt giảm các cuộc thi trong trường học

Trong năm 2023, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải 'gánh' 48 cuộc thi do Trung ương và địa phương tổ chức, phát động. Ngoài 5 cuộc thi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 7 cuộc thi cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức, còn lại 36 cuộc thi do các ban, bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể của Trung ương và địa phương phát động, triển khai đến các trường phổ thông của tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng học sinh phổ thông tỉnh Vĩnh Phúc tham gia tới 4 cuộc thi.

Trước thực trạng các cuộc thi tràn lan như vậy, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành giáo dục địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan cắt giảm tối đa các cuộc thi không cần thiết đối với học sinh phổ thông trên địa bàn. Việc làm này nhằm giúp học sinh giảm áp lực học hành và áp lực thi cử, tạo điều kiện cho các em có thời gian được vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh.

Không riêng Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, học sinh phổ thông cũng chịu nhiều áp lực từ các cuộc thi, trong đó nhiều nhất là thi tiếng Anh. Ví như một trường tiểu học ở Hà Nội năm 2023 đã giới thiệu vô số cuộc thi tiếng Anh cho học sinh tham gia, gồm: Kỳ thi Olympic đánh vần tiếng Anh quốc tế mùa đông năm 2023; Kỳ thi Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle 2023; Thi trải nghiệm cuộc thi tiếng Anh quốc tế TOEFL Challenge; Thi Olympic tiếng Anh toàn cầu KGL contest; Olympic tiếng Anh quốc tế CEO; Cuộc thi tiếng Anh quốc tế Kangaroo...

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Quả thật, chỉ cần đọc tên các cuộc thi “nửa ta nửa tây” như vậy khiến người lớn cũng “toát mồ hôi hột”, đừng nói trẻ em tiểu học phải nhớ hết. Các em vừa trải qua giai đoạn “búp trên cành”, thậm chí có em vừa đọc thông viết thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì việc để các cuộc thi ngoại ngữ đua nhau “đổ bộ” vào trường học mới thấy học sinh thời nay bị “ngộp thở” đến nhường nào!

Nguyên nhân chủ yếu khiến học trò bị lạc vào “mê cung” các cuộc thi bởi “bệnh thành tích” đã ngấm sâu vào môi trường học đường do nhiều trường vẫn lấy thành tích các cuộc thi để đánh giá giáo viên và lấy kết quả thi của học sinh để xét tuyển sinh đầu cấp cũng như xét tặng danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Trong khi đó, không ít cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương triển khai trong trường học cũng khiến học sinh dù không muốn nhưng cũng phải trả lời (thực ra là sao chép) cho đủ câu, đủ trang, đủ số lượng bài nộp cho cấp trên!

Hệ lụy của việc tổ chức tràn lan các cuộc thi trong trường học không chỉ gây lao tâm khổ tứ cho học sinh mà có thể làm teo tóp tâm hồn, suy giảm kỹ năng tương tác, giao tiếp xã hội của trẻ bởi các em phải vùi đầu quá nhiều vào sách vở và máy tính. Điều đó cũng tác động không thuận đến thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển toàn diện nhân cách học sinh.

Chính vì thế, việc giảm tải, tinh gọn các cuộc thi trong nhà trường phổ thông hiện nay nhất thiết phải làm, vì một môi trường học đường lành mạnh, nhân văn, vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Đó cũng là giải pháp thiết thực để góp phần xây dựng nhà trường hạnh phúc, học sinh hạnh phúc và thầy cô hạnh phúc.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-cat-giam-cac-cuoc-thi-trong-truong-hoc-761115