Lăng kính văn hóa: Xóa luật ngầm

Đến đội tuyển boxing Quân đội, tôi thấy đơn vị nuôi một con heo đất lớn, hỏi thì được biết mục đích là để hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Mọi thành viên trong đội tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng mỗi lần 'cho heo ăn' không quá 5.000 đồng. Thượng tá QNCN Huỳnh Viết Khánh, huấn luyện viên trưởng đội tuyển boxing Quân đội bày tỏ, nhiều học trò nài nỉ được trích một phần tiền thưởng để góp quỹ nhưng ông không đồng ý. Theo ông, phàm những gì liên quan đến tiền phải phân minh.

Không riêng đội tuyển boxing Quân đội, hầu hết các đội tuyển thể thao Việt Nam hiện nay đều có quỹ chung. Quỹ ra đời với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp khó khăn; thăm hỏi các thành viên ốm đau, bệnh tật; chi tiêu những việc chung của đội. Đáng tiếc, qua thời gian, một số quỹ đội bị biến tướng, xem đây là một khoản tiền mà vận động viên phải đóng hằng tháng. Đáng nói, việc đóng quỹ, yêu cầu vận động viên trích phần trăm tiền thưởng để cảm ơn huấn luyện viên và tập thể được dư luận đồn thổi như “luật bất thành văn”.

 Một buổi tập luyện của các võ sĩ boxing nam Quân đội. Ảnh: qdnd.vn

Một buổi tập luyện của các võ sĩ boxing nam Quân đội. Ảnh: qdnd.vn

Chuyện vận động viên Phạm Như Phương (thể dục dụng cụ) giải nghệ ở tuổi 20 vì bất mãn, tố huấn luyện viên trực tiếp của mình bắt đóng các quỹ lạ, ăn chặn tiền thưởng thật u buồn. Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bước đầu xác minh, làm rõ và khẳng định huấn luyện viên Nguyễn Thùy Dương có sai phạm do nhận tiền của vận động viên Phạm Như Phương. Sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi Phạm Như Phương tiết lộ thêm thực trạng khai khống ngày công tập luyện để bòn rút ngân sách nhà nước ở đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam. Trước đó, các vận động viên đội tuyển trẻ bóng bàn Việt Nam kêu đói vì bữa ăn không đúng theo quy định đã để lại bài học lớn.

Chúng ta tự hào, tôn vinh những huấn luyện viên ngày đêm vì sự phát triển của thể thao nước nhà, dành cả thanh xuân cho sự nghiệp "gõ đầu trẻ" khi kiêm nhiệm huấn luyện và bảo mẫu. Trò chuyện với chúng tôi, các vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Nguyễn Hữu Kim Sơn (bơi), Nguyễn Văn Đương (boxing)... khoe thường được các huấn luyện viên của mình thưởng tiền khi đạt thành tích tốt. Bên cạnh nhiều câu chuyện xúc động về tình thầy-trò, vẫn có những "con sâu", luật ngầm đang âm ỉ gây bất mãn trong nội bộ không riêng ngành thể thao.

Trong những vụ bê bối thời gian qua và gần đây, lãnh đạo ngành thể thao đa phần đều trong trạng thái bị động. Rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm là đương nhiên, nhưng ai dám chắc sắp tới không có thêm những sự cố. Bên cạnh những kế hoạch đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu mang vinh quang về nước nhà, một nội dung quan trọng không kém là bồi dưỡng, giáo dục đạo đức đối với huấn luyện viên, vận động viên. Thay vì liên tục rút kinh nghiệm, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, tiến tới luật hóa một số quy định liên quan đến tiền thưởng... để phòng ngừa sự cố và có cơ sở để xử lý, không thể mãi "mất bò mới lo làm chuồng" bởi qua nhiều lần “mất bò”, một số cấp, ngành vẫn chưa làm xong “chuồng”.

HỮU TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-xoa-luat-ngam-762046