Lăng kính văn hóa: Ý thức để vào đâu?
Sau hai đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc), sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) tràn ngập rác. Hôm sau, rác cũng 'tràn ngập' trên nhiều mặt báo với những chỉ trích gay gắt về ý thức kém của giới trẻ, về sự 'thất bại của giáo dục'.
Xả rác bừa bãi không phải là câu chuyện mới. Đúng là xã hội ta còn nhiều vấn đề về ý thức, về văn hóa công cộng cần được cải thiện. Tuy nhiên, ở một sự kiện âm nhạc lớn với giá vé lên tới cả tháng lương của người có thu nhập khá thì câu chuyện cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Phê bình thói hư tật xấu là cần thiết, nhưng trách nhiệm của đơn vị tổ chức và cơ quan quản lý thế nào, lại không mấy người đặt vấn đề, góp ý.
Hình ảnh những khán đài, mặt sân la liệt áo mưa, túi nilon, chai nhựa, khiến phần lớn người nhìn vào đều thốt lên “kém văn minh”, “thảm họa văn hóa” hay tự ti so sánh phương Tây người ta văn minh lắm... Xin thưa, nếu ai từng dự các sự kiện ở nước ngoài thì thấy cũng giống nhau cả thôi. "Biển rác", “bãi chiến trường rác” sau lễ hội âm nhạc lớn như Coachella, Electric Forest ở Mỹ hay Reading ở Anh. 10 tấn rác bị bỏ lại sau lễ hội Floatopia tại bãi biển Virginia ở Mỹ. Ngay tại Nhật, sau đêm lễ hội Halloween ở Shibuya, đường phố chẳng kém gì một bãi rác công cộng.
Có điều, ngay sau đó, ở nhiều nơi, ban tổ chức kịp thời nghiêm túc rút kinh nghiệm. Họ sử dụng phục vụ “xanh”, cấm chai nhựa, truyền thông điệp “không để lại dấu vết” trước sự kiện, qua đó mang lại hiệu quả rõ rệt. Có nơi, việc dọn rác được tính là một phần dịch vụ trong chi phí vé. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nếu bạn bỏ tiền vào ăn ở nhà hàng, chẳng có ai lại mang rác về nhà bởi phí dọn dẹp đã được tính trong toàn bộ bữa ăn đó. Đằng này, đại tiệc âm nhạc BlackPink có giá vé cao ngất ngưởng, lên tới 30-40 triệu đồng/cặp thì ban tổ chức phải có trách nhiệm trong việc xả rác của khán giả, phải tính tới chi phí rủi ro cho những phát sinh này. Ban tổ chức phải bố trí nhiều thùng đựng rác hơn, dễ thấy hơn, thuận tiện hơn và có một đội ngũ thu dọn vệ sinh liên tục khi sự kiện diễn ra.
Nhìn nhận một cách thấu đáo, nhiều người không phải không có ý thức, nhưng ý thức để vào đâu khi xung quanh chẳng có thùng rác nào. Nhiều bạn trẻ có ý định ở lại nhặt rác sau sự kiện nhưng ban tổ chức “đuổi về” vì nhiều lý do. Thay vì mang nhau ra “mổ xẻ”, "vạch áo cho người xem lưng", tự làm xấu mặt mình trước bàn dân quốc tế thì các bên liên quan nên đóng cửa bảo nhau.
Rất nhiều người trong chúng ta có thói xấu tiện đâu vứt đó. Việc vứt rác bừa bãi đã làm Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, kìm hãm sự phát triển của du lịch. Về lâu dài, hành vi này còn gây ô nhiễm môi trường. Thói quen xấu xả rác bừa bãi có thể dần thay đổi từ suy nghĩ, thái độ, nhận thức đến hành vi của đại bộ phận thông qua các hình thức nhắc nhở, phạt thật nặng bằng tiền, lao động công ích. Trở lại câu chuyện hai đêm nhạc của BlackPink và những chương trình văn hóa, nghệ thuật... sắp tới không phải là sự kiện công cộng miễn phí (thậm chí phí/vé cực cao), nên càng đòi hỏi nhà tổ chức sự kiện, người tham dự phải văn minh, trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội và với chính bản thân mình.
THU HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-y-thuc-de-vao-dau-737383