Lặng lẽ công nhân nhà máy rác

Làm việc trong môi trường đặc biệt, công nhân ở các nhà máy xử lý rác thải thầm lặng hy sinh để làm sạch môi trường, biến rác thành những sản phẩm có thể tái chế, sử dụng được.

Chị Trần Thị Bốn, công nhân Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương phân loại rác, sau đó đưa vào máy xử lý

Chị Trần Thị Bốn, công nhân Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương phân loại rác, sau đó đưa vào máy xử lý

Quen... mùi rác

Những đống rác cao đến mái nhà, ruồi nhặng bay vo ve, đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc khiến bất cứ ai lần đầu đến khu phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương (xã Việt Hồng, Thanh Hà) cũng thấy khó chịu nhưng những công nhân ở đây vẫn cần mẫn làm việc.

Chị Trần Thị Bốn quê ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) thoăn thoắt cào từng mớ rác hỗn độn phân thành các loại khác nhau đưa vào máy xử lý. Bộ quần áo bảo hộ kín mít kèm theo hai lần khẩu trang là những trang phục quen thuộc mỗi lần chị vào ca làm việc. "Ban đầu mới vào làm tôi cũng thấy khó chịu, nhất là vào mùa hè. Mùi hôi thối từ rác bốc lên nồng nặc nhiều khi tôi thấy buồn nôn nhưng làm một thời gian thành quen. Công ty trang bị thêm khẩu trang và bảo hộ chuyên dụng nên cũng đỡ", chị Bốn nói.

Trong khu nhà ngồn ngộn rác thải sinh hoạt, những đồng nghiệp của chị Bốn lặng lẽ làm việc, người phân loại rác thải, người lái máy xúc đưa rác vào các khu xử lý. Anh Nguyễn Xuân Lùy, có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân ở đây nói vui: “Làm bạn với rác thải nhiều năm nên chúng tôi đứng cạnh rác mà không thấy mùi hôi thối và cũng không còn thấy sợ khi cầm rác trên tay như những ngày đầu”.

Khối lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh qua từng năm có nghĩa công việc của công nhân của các nhà máy xử lý rác cũng nhiều lên theo năm tháng. Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều lao động chấp nhận hy sinh để có thêm thu nhập.

Bà Phạm Thị Loan quê ở xã Tân Hồng, công nhân Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (ở thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang) cho biết ban đầu khi bà xin vào công ty xử lý rác làm việc người nhà ai cũng gàn vì sợ môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng làm ở đây gần 5 năm đã quen việc, không còn sợ rác. May mắn là đến nay bà chưa bị bệnh gì nguy hiểm. “Công việc ổn định, thu nhập tốt, tuổi đã cao khó xin được vào làm tại các doanh nghiệp khác nên tôi vẫn muốn được làm việc ở đây”, bà Loan nói.

Mong người dân phân loại rác

Công nhân, lao động ở những nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt làm việc bên cạnh những đống rác chất cao như núi

Công nhân, lao động ở những nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt làm việc bên cạnh những đống rác chất cao như núi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy xử lý rác thải (bao gồm cả xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường) với hàng trăm công nhân, người lao động. Chị Vũ Thị Hòa, nhân viên hành chính, nhân sự của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc cho biết công nhân của nhà máy chủ yếu tham gia vào công đoạn phân loại rác, cho rác vào lò đốt, vận hành máy móc xử lý nước thải. Công nhân làm việc trong nhà máy rác thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại nên việc trang bị bảo hộ cho người lao động được doanh nghiệp quan tâm. Tại những bộ phận tiếp xúc với rác nguy hại, người lao động được cấp mặt nạ phòng độc. Công nhân được sử dụng sữa tươi trong các bữa ăn để giải độc. Người lao động cũng được nhận phụ cấp độc hại tùy theo từng vị trí và bộ phận.

Anh Nguyễn Xuân Lùy cho biết gần đây công ty phối hợp với một số địa phương của huyện Nam Sách phân loại rác tại nguồn. Sau khi người dân tự phân loại việc vận chuyển và xử lý rác cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Công nhân, người lao động bớt vất vả ở công đoạn phân loại, chỉ cần đưa rác vào máy xử lý.

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương cũng mong muốn mỗi người dân cần có ý thức khi xả rác, không nên để những loại rác nguy hiểm, độc hại cùng với rác sinh hoạt. “Nhiều khi người dân bỏ cả bơm kim tiêm, pin cũ, lọ thủy tinh vỡ lẫn lộn với vỏ hoa quả, rau củ và thức ăn thừa, như vậy khi đến nhà máy rác công nhân phân loại vừa vất vả, vừa nguy hiểm”, chị Hà nói.

Công việc lặng thầm của những công nhân ở các nhà máy xử lý rác ít người biết đến. Ngoài những người trực tiếp đi thu gom, dọn rác tại các gia đình, nhà máy, xí nghiệp thì những công nhân ở các nhà máy xử lý rác cũng có vai trò hết sức quan trọng. Ông Bùi Quang Bồng, đại diện Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương cho biết những công nhân đang làm việc trong nhà máy rác góp phần không nhỏ giúp môi trường thêm xanh, sạch, đẹp mỗi ngày. “Với khối lượng khổng lồ thải ra mỗi ngày nếu không có người thu gom, phân loại rồi xử lý rác thì môi trường từ làng quê, đô thị cho đến các doanh nghiệp sẽ thế nào?”, ông Bồng đặt câu hỏi.

Những công nhân của các nhà máy rác không chỉ giúp xử lý rác, bảo vệ môi trường mà họ còn giúp các nhà máy tạo ra những sản phẩm tái chế có thể sử dụng được từ rác như phân hữu cơ, tấm chắn bề mặt cống thoát nước, hạt nhựa…

Để giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an lành, mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, quan tâm phân loại rác tại nguồn, qua đó góp phần giúp công nhân của các nhà máy xử lý rác đỡ vất vả, nặng nhọc hơn.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/lang-le-cong-nhan-nha-may-rac-220846