Lặng lẽ giữ sạch phố phường
ĐBP - Những đêm đông lạnh giá, khi mọi người đều về với tổ ấm của mình trong đệm ấm, chăn êm... thì trên từng con phố vẫn lặng lẽ những dáng người lao công lom khom quét dọn, đẩy chiếc xe rác chất cao hơn người. Họ đã luôn lặng lẽ như vậy suốt bốn mùa, với nắng, mưa, sương lạnh để chúng ta đi trên những con đường, tuyến phố phong quang, sạch đẹp mỗi ngày...
Những người lao công cần mẫn không kể ngày đêm để giữ sạch thành phố.
Những ngày cuối năm trời se lạnh; từng dòng người, xe tấp nập đi, về; còn chúng tôi thì tản bộ dọc các con đường Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh (TP. Ðiện Biên Phủ) để cảm nhận nỗi vất vả của những anh chị lao công. Chị Phạm Thị Loan, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên đang cần mẫn quét rác tại đường Võ Nguyên Giáp. Chị Loan chia sẻ: Một ngày tôi làm 2 ca, ca đầu từ 16 giờ 30 - 19 giờ 30; ca thứ 2 từ 3 giờ đến khoảng 5 giờ 30 sáng. Tùy từng thời điểm trong năm mà thời gian làm có thể phải đi sớm về muộn; đặc biệt vào mùa lá rụng, ngày lễ, tết... lượng công việc tăng gấp đôi. Ðây là tuyến đường chính, nhiều xe qua lại; thành phố lại đang thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng; sửa chữa cải tạo đường nước sinh hoạt, nước thải, nên ngoài rác thải sinh hoạt còn cả rác thải xây dựng rơi vãi từ các loại xe chở đất, đá gây ra. Có lúc, vừa quét dọn sạch sẽ xong xe chở vật liệu đi qua lại có một đống cát vương ra đường; cũng có khi vừa đẩy xe đi thì lại có người mang rác ra đổ. Những lúc như vậy cảm thấy rất buồn và mệt. Tôi gắn bó với công việc này 20 năm rồi, làm nghề lao công là chấp nhận phải tiếp xúc với rác thải hôi hám, độc hại; nhưng nghề nghiệp mà. 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã quen với những bữa tối một mình. Trước khi đi làm, tự chống đói bằng bát cơm nguội, cái bánh mỳ; tối về thì gia đình đã ăn xong để các con còn học bài, thế là chỉ còn một mình một mâm.
Là phụ nữ, song việc làm cơm tất niên, đón giao thừa cùng gia đình với tôi cũng chỉ tính trên đầu ngón tay; bởi ngày 30 tết lượng rác tăng rất nhiều, ngoài rác thải sinh hoạt, rác ở các chợ rau quả thì chủ yếu là lượng rác từ các chợ hoa. Mấy anh chị em đi làm từ 14 giờ chiều đến tận gần giao thừa để đường phố kịp sạch đẹp trong ngày đầu năm mới. Một số chị em nhà xa, ở khu vực xã Thanh Chăn, Pom Lót… không kịp về; mà nếu có về thì phải 5 - 6 giờ sáng mới xong. Không ai muốn về nhà sáng mùng 1 tết trong tình trạng người toàn mùi rác; vậy là mấy chị em bảo nhau mang bánh kẹo, bánh chưng đi ăn đón giao thừa ngoài đường. Bắn pháo hoa xong, mọi người về thì chúng tôi lại tiếp tục công việc; ấy vậy mà có năm cũng phải 3 giờ sáng mới xong...
Chia tay chị Loan, chúng tôi đến đường Sùng Phái Sinh; gặp anh Nguyễn Thành Kiêm khi các anh đang cẩu những xe gom rác lên xe chuyên dụng cuốn ép; anh Kiêm chia sẻ: Tôi làm công nhân môi trường được 12 năm, thuộc tổ xe. Thường ngày bắt đầu từ 16 giờ 30 phút tôi phải đến ga ra công ty để kiểm tra bảo dưỡng xe khoảng 30 phút sau đó bắt đầu đi làm. Vì đặc thù công việc ngày nào xe cũng phải kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tôi được giao phụ trách thu gom rác khu vực đường Sùng Phái Sinh và phường Noong Bua. Những ngày thường, trung bình 1 xe chạy 2 chuyến, mỗi chuyến mất gần 3 giờ; nhưng những ngày cuối năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp đến 30 tết, lượng rác tăng nên phải chạy 4 chuyến/ngày, nhiều hôm phải 2 giờ sáng mới xong. Thay vì được nghỉ ngơi như bao nghề khác, thì ngày lễ, tết... nghề lao công chúng tôi càng vất vả thêm. Khối lượng công việc tăng lên, anh em phải làm thêm giờ nhưng không một ai phàn nàn.
Không ít lần chúng ta bắt gặp hình ảnh những chị lao công cần mẫn, âm thầm làm việc bất kể nắng mưa. Mặc cho phố thị ồn ào, tấp nập hay chìm sâu trong giấc ngủ; thì trên các nẻo đường, những người lao công vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác để sáng hôm sau khi mọi người thức dậy là một thành phố với những con đường sạch sẽ, thoáng mát. Công việc thật bình dị nhưng đóng góp thì lớn lao, vì họ đã và đang góp phần mang mùa xuân xanh, sạch, đẹp cho mỗi chúng ta. Hãy trân trọng, sẻ chia với những con người lặng lẽ và bình dị đó. Hành động đầu tiên và thiết thực nhất giúp các anh chị lao công đó là thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường...
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/175255/lang-le-giu-sach-pho-phuong