Lặng lẽ một nghĩa trang
Bây giờ, nhiều người đến thăm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị vẫn còn nghĩ rằng hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ác liệt 81 ngày đêm năm 1972 mà hài cốt chưa tìm thấy vẫn đang nằm dưới lòng sông Thạch Hãn. Và di tích Thành Cổ như là 'nghĩa trang mở' nên chỉ nhang khói ở nơi này. Trong lúc ấy còn có gần 700 hài cốt liệt sĩ tìm thấy ở Thành Cổ được an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị cách Thành Cổ 3 cây số.
Tôi nhớ lại câu chuyện của 31 năm trước, chuẩn bị cho sự kiện thị xã Quảng Trị ra đời 16/9/1990, lúc đó tôi là phóng viên trẻ của Báo Quảng Trị vừa mới “xuất lò” Tổng hợp Văn Huế, được phân công vào đây viết bài. Tạp chí Cửa Việt do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng Biên tập đóng ở đường Quang Trung là điểm dừng chân nhộn nhịp của cánh văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước. Bữa đó đang tầm trưa ở cơ quan tạp chí, bác Hoàng Phủ Ngọc Tường đi đâu về, ghé tai to nhỏ với mấy ông bạn từ Hà Nội mới vào thăm lại chiến trường xưa Thành Cổ Quảng Trị. Một hồi sau, bác Hoàng Phủ Ngọc Tường, rồi anh Quang Lập, nhà văn Hòa Vang, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Tân Huyền…đầu trần, cuốc bộ ra đường. Chả hiểu chuyện gì, tôi cũng “bám càng” các bác tướt mồ hôi qua cầu Ga, đường tàu lửa thị xã. Đến nơi, tôi mới biết, sáng nay một người dân ở bên chợ thị xã đào móng xây nhà đã phát hiện 7 hài cốt liệt sĩ và chiều nay đưa lên an táng ở đây. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh mãi hình ảnh nhà văn “lính trẻ Hà Nội 1972” Hòa Vang râu tóc rũ rượi, chân guốc mộc, bộ đồ bà ba màu gụ, gục người nước mắt tuôn chảy bên một ngôi mộ còn ấm mùi cây cỏ. Lúc đó, tôi mới hay, chỗ này mới chính là Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị!
Ở thị xã Quảng Trị, tôi có người quen là ông Nguyễn Thanh Bình (69 tuổi), một trong số ít những cựu binh Thành Cổ đang sinh sống tại thị xã. Năm 1972, ông Bình là lính trinh sát Tiểu đoàn K808 của Tỉnh đội Quảng Trị dọc ngang các công sự của trận địa trong lòng thị xã. Ông Bình vào Thành Cổ ngày 21/6/1972 trước khi chiến dịch bảo vệ 81 ngày đêm một tuần. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, ác liệt đâu phải chỉ trong Thành Cổ mà còn ở quanh thị xã, theo nhiều hướng khác nhau. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, từ năm 1992, sau ngày nghỉ hưu, ông Bình đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để đi tìm hài cốt đồng đội. Đến nay đã cất bốc được hơn 100 hài cốt liệt sĩ, chưa kể đi tìm, xác minh hàng trăm trường hợp khác. Trong số đó, ông đã giúp đưa về quê 34 trường hợp, còn lại đang chôn cất ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã. Dòng sông Thạch Hãn nhuốm đầy máu đã trở thành nấm mộ tập thể với khoảng 1.000 liệt sĩ và còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại trong diện tích vài cây số vuông của thị xã. Từ sau ngày giải phóng đến nay, người dân khi xây lại nhà hay làm đường có thể bắt gặp hài cốt liệt sĩ và phần lớn được đem về an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã.
Trong ngôi mộ tập thể 38 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang Liệt sĩ của thị xã thì nhà ông Nguyễn Văn Bang áp chợ Quảng Trị có tới 22 bộ hài cốt được tìm thấy. Người lính già đầu bạc Nguyễn Thanh Bình bảo, Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã đã phản ánh một phần tính chất khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm. Từ sau năm 1989, khi thị xã Quảng Trị được tái lập với tốc độ xây dựng tăng cao thì số hài cốt tìm thấy ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi, được quy tập, an táng vào Nghĩa trang Liệt sĩ. Theo lời ông Hồ Minh Đạo-Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Quảng Trị từ ngày thành lập thị xã Quảng Trị năm 1989, đến tháng 1/2021, trên địa bàn thị xã quy tập, cất bốc 719 hài cố liệt sĩ. Trong đó, từ năm 2018 đến tháng 1/2021, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ 584 phối hợp với địa phương triển khai nhiều đợt tìm kiếm, quy tập từ kênh thông tin của cựu chiến binh Thành Cổ, người dân và qua đối chiếu với bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đã cất bốc 109 hài cốt liệt sĩ, song chỉ có một liệt sĩ có danh tính, đã đưa về quê năm 2019.
Chính vì thông tin về Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã chưa lan tỏa nên thân nhân của các liệt sĩ khi về Quảng Trị hoàn toàn không hay biết rằng có thể hài cốt của người thân đang được chôn cất tại đây. Đó cũng là nguyên do của sự đối lập đến nao lòng, trong khi Khu di tích Thành Cổ khách đến dâng hương nườm nượp thì Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã vô cùng vắng vẻ. Cán bộ quản trang Văn Quốc Toản bảo: “Ở đây có 2 anh em, tôi bộ đội biên phòng xuất ngũ và anh Nguyễn Duy Sang sơ cấp nghề cây cảnh với công việc chính hàng ngày là cắt cỏ, dọn vệ sinh các khu mộ. Lúc có ai đến viếng thì phục vụ, song đoàn đến rất ít, cao điểm như dịp lễ 30/4 hay 27/7 cũng chỉ có hơn 10 đoàn, còn lại vắng hoe”.
Tôi chợt nhận ra, hai đầu đường rẽ vào Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị trên Quốc lộ 1 không hề có một tấm bảng chỉ dẫn nên khách càng ít biết thông tin.