Lặng lẽ nhà dài...

Trong cơn lốc hiện đại hóa, những nếp nhà dài của người Ê Đê dần biến mất. Thay vào đó là căn nhà xây bề thế hoặc bắt chước kiến trúc nhà dài nhưng hồn cốt đã ở nơi nào. Hiếm hoi lắm, buôn Akô Dhông vẫn níu giữ được chút nếp nhà sàn thuở hồng hoang...

Vốn xưa còn lại chút này

Nhà dài là nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ê Đê. Theo các nhà nghiên cứu, nhà dài là đặc trưng cho chế độ mẫu hệ. Khi một người con gái bắt chồng, căn nhà sàn nối thêm gian buồng mới cho đôi vợ chồng trẻ. Cứ thế, nhà nào nhiều con gái thì nhà dài càng dài ra theo thời gian.

Có những ngôi nhà dài đến 60 - 100 mét để gần chục cặp vợ chồng chung sống. Nhà dựng theo hướng Bắc Nam, tránh được gió lùa vào mùa mưa. Đầu nhà quay về phía Bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía Nam cuối nhà dành cho sinh hoạt gia đình.

Nhà dài truyền thống thường có khung bằng gỗ, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh nhà bằng tre nứa đập dập đan kết lại hoặc thưng bằng ván, mái lợp cỏ tranh. Về sau, dạng nhà dài bằng gỗ cũng trở nên thông dụng vì độ bền lâu hơn. Trước mỗi hiên nhà có cầu thang, tạc biểu tượng uy quyền của chế độ mẫu hệ.

Nhà dài tre nứa của già làng Ama H'rin ở buôn Akô Dhông.

Nhà dài tre nứa của già làng Ama H'rin ở buôn Akô Dhông.

Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột) vốn nổi tiếng là một buôn làng còn gìn giữ nhiều nhà dài truyền thống nhất ở Đắk Lắk. Hơn 50 hộ dân ở đây là hơn 50 nếp nhà dài bằng gỗ nằm yên bình dưới vòm cây xanh mát. Thuở lập làng, già Ama Hrin đã làm cho bà con và bạn bè bốn phương thán phục bởi cách tổ chức buôn và giữ gìn bản sắc văn hóa Ê Đê của mình. Ghé thăm Akô Dhông, du khách phải trầm trồ kinh ngạc trước một buôn dân tộc vừa hiện đại vừa cổ xưa, khác xa các buôn khác. Đường làng sạch sẽ, gia súc có chỗ nuôi nhốt riêng. Dọc đường cây xanh, khóm hoa được cắt tỉa đẹp mắt, thoáng đãng. Hệ thống nước sạch đến từng nhà. Nghề thủ công, các vật dụng thiêng liêng như cồng, chiêng, ghế Kpan, ché… cùng các nghi lễ, lễ hội của người Ê Đê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

“Đó là nhờ cái tâm nhiệt huyết với văn hóa truyền thống của Ama Hrin. Hồi đầu những năm 2000, khi bà con phá nhà dài làm nhà xây, già không cho, nhất quyết phải họp dân. Già bảo, mất nhà dài là coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế Kpan, mất cả Giàng, cả hồn cốt người Ê Đê. Nhờ cuộc họp đó mà bà con mới nghe lời già, thống nhất làm nhà xây sau lưng nhà dài truyền thống. Ai không nghe thì bị buôn xử phạt. Từ đó, mọi người đều làm theo” - ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Thuở sinh thời, ngôi nhà tre nứa của già Ama Hrin cũng là ngôi nhà tre nứa nguyên bản duy nhất buôn. Dù nhà đã mối mọt, cột kèo long mục, nhưng kho báu “sống” của núi rừng Tây Nguyên vẫn níu giữ lại hình ảnh nếp nhà thuở khai hoang lập làng. Già mất, con cháu cải tạo khu đất. Ngôi nhà cũ kỹ bị dở bỏ. Nhưng nghe lời già, họ có bao giờ quên nguồn cội. Khu đất xưa dựng lên những nếp nhà dài bằng gỗ, biến thành quán cà phê du lịch cộng đồng nhưng phía sau, ngôi nhà vách nứa, mái tranh được dựng lại, mô phỏng không khác gì ngôi nhà trước kia già ở. Trong nhà, bộ trống, ghế Kpan, cồng chiêng, bếp lửa… vẫn được bảo lưu nguyên vẹn và sắp xếp như thuở già còn sống, hào sảng dẫn khách thập phương thăm buôn làng.

Bà Amí Hrin, vợ của già làng Ama Hrin cho biết cái bụng bà vui lắm khi thấy con cháu phục dựng nguyên vẹn ngôi nhà mà trước kia vợ chồng bà ở. Nó như một phần ký ức, một phần máu thịt không thể tách rời. Mỗi lần nhìn ngắm ngôi nhà, bà lại thấy như ông vẫn ở đâu đây, ngồi kể sử thi cho con cháu nghe bên bếp lửa hồng. Dựng lại nhà sàn tre nứa để thế hệ mai sau và du khách khắp nơi còn biết chút gì về căn nhà Ê Đê huyền thoại “dài như một hơi ngựa phi”.

Nhà dài dần vắng bóng

Những nơi duy trì được nhà dài như buôn Akô Dhông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong vòng xoáy của cơn lốc hiện đại hóa, đô thị hóa, những nếp nhà dài dần biến mất nhường chỗ cho nhà bê tông, cốt thép khang trang. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh còn hơn 5.600 nhà dài truyền thống nhưng rất nhiều trong số đó bị hư hại, xuống cấp.

Nhiều căn nhà ở buôn Akô Dhông cũng chung tình trạng. Trong căn nhà dài 25 mét, chị HPhiu Kbuôr buồn bã cho biết ngôi nhà đã có tuổi đời hơn 50 năm. Nhìn bề ngoài, có vẻ ngôi nhà vẫn ổn nhưng cột kèo, vách ván đã bị mối mọt, mái nhà bị mục, dột nước. Tuy vậy, việc sửa chữa không hề đơn giản như cái thuở vô rừng là có gỗ.

Bà Amí Hrin than thở: “Làm nhà xây bây giờ dễ và rẻ hơn nhà dài truyền thống. Nhất là kiểu nhà tre nứa này, khó lắm. Hồi xưa đi vô rừng là ôm được một mớ cỏ tranh. Còn giờ con cháu mình lặn lội kiếm khắp Tây Nguyên mới gom được một ít. Gỗ cũng hiếm lắm rồi, còn đâu nữa mà làm nhà, nếu mua được cũng đắt lắm nên bà con đành chịu để nhà hư hại chứ lấy tiền đâu mà sửa”.

Diện tích rừng bị thu hẹp, nguyên vật liệu khó kiếm và đắt đỏ khiến nhiều nếp nhà dài ở Buôn Đôn trở thành một kiến trúc lai tạp. Vá víu lại chỗ ở, người dân dùng tôn, nhựa mica biến thành vách hoặc mái lợp nhà. Có người thì “bê tông hóa” hoàn toàn nhà dài hoặc thân nhà bằng bê tông, trên lợp gỗ hoặc ngói… Nhà dài cứ thế mất dần hồn cốt giữa vòng xoáy hiện đại.

Những căn nhà dài dần biến mất vì hư hại, xuống cấp.

Những căn nhà dài dần biến mất vì hư hại, xuống cấp.

Nơi ở xuống cấp cộng với việc tách hộ khiến nhà dài dần trở thành một biểu tượng hơn là mái ấm thường nhật của người Ê Đê. Mọi sinh hoạt của người dân tập trung ở nhà cấp bốn, nhà mái Thái như kiểu người Kinh. Sau một thời gian khảo sát thực tế, PGS.TS Phạm Lợi cũng nhận thấy ngôi nhà truyền thống ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi về kích thước và cách sinh hoạt. Nhà ngắn hơn và các loại hình sinh hoạt bên trong cũng giảm bớt. Ở buôn Akô Dhông, nhà dài phía trước chủ yếu được chỉnh trang để đón khách du lịch đến trải nghiệm, hoặc biến thành quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, hoặc lặng lẽ cửa đóng then cài. Nhà dài chỉ được mở cửa khi có việc cúng tế, đón khách phương xa. Như căn nhà tre nứa của già Ama Hrin cũng biến thành một bảo tàng thu nhỏ để khách gần xa tìm hiểu chứ đại gia đình vẫn sinh sống ở căn nhà xây bề thế phía sau. Người làng thú thật, sinh hoạt trong nhà dài khá bất tiện khi những tiện nghi hiện đại đa phần thích hợp trong ngôi nhà xây.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thừa nhận sự giao thoa văn hóa giữa lối sống hiện đại và truyền thống khiến các giá trị như không gian nhà dài thay đổi nhanh chóng và có nguy cơ mất dần. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác duy tu bảo dưỡng, phục dựng các nhà dài. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đòi hỏi sự am hiểu và tính khoa học. Song việc tìm hiểu, nghiên cứu về các giá trị di sản văn hóa là một lĩnh vực hết sức khó khăn bởi tính đặc thù, đa dạng, đòi hỏi người thực hiện phải có những am hiểu nhất định về đặc trưng văn hóa vùng miền, từng loại hình di sản, những quy chuẩn cơ bản trong tác nghiệp. Trong khi đó, lực lượng trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản hầu hết là cán bộ cơ sở, chưa được đào tạo bài bản, sự hiểu biết về văn hóa truyền thống còn hạn chế, việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản địa phương còn có nhiều bất cập.

Hiện nay, bộ tiêu chí khoa học kỹ thuật về nhà dài như các số liệu, chỉ số kiến trúc công trình để có thể ban hành thành quy chuẩn bảo tồn, bảo vệ, phục dựng và xây dựng mới là điều cần hoàn thiện nhanh chóng. Bởi việc người dân tự ý xây nhà dài, biến tấu theo lối kiến trúc mới dễ gây ra những sai lệch và gây nguy hại cho công tác bảo tồn. Song song đó, người làm công tác bảo tồn phải am hiểu văn hóa, cung cách sinh hoạt bên trong nhà dài với hàng loạt hoạt động tinh thần phong phú. Từ đó, việc phục dựng và xây mới nhà dài sau này sẽ có sự tham vấn để tránh va chạm văn hóa, làm mai một linh hồn, bản sắc Ê Đê.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lang-le-nha-dai--i693122/