Làng mai trắng tất bật vào vụ Tết
Năm nào cũng vậy, 2 tháng cuối năm là thời gian bận rộn nhất của người trồng mai trắng thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì để hoàn thiện những chậu mai thế cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.
Nghề tỉ mẩn, công phu
Đến An Hòa vào cuối tháng 11 âm lịch, đâu đâu cũng thấy không khí tất bật, khẩn trương. Chúng tôi tìm đến nhà anh Đỗ Quang Thụy, một trong những hộ gia đình tiên phong đưa mai trắng cắm rễ trên đất Tản Lĩnh cách đây khoảng 20 năm. Mỗi dịp Tết đến, gia đình anh Thụy đều xuất bán hàng nghìn gốc mai trắng. Để đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho vườn mai trắng dịp cận Tết, anh Thụy phải thuê hàng chục nhân công.
Anh Đỗ Quang Thụy cho biết, ban đầu, một số hộ dân chỉ trồng mai trắng như một thú chơi hoa ngày Tết. Tuy nhiên sau đó, thấy cây đẹp, độc đáo và được thị trường ưa chuộng nên người dân đã học hỏi, tìm tòi cách tạo thế để tăng giá trị cho cây mai. Từ một vài cây ban đầu, đến nay gia đình anh Thụy đã trồng được khoảng 3.500 cây mai thế có tuổi từ 3 - 10 năm tuổi và khoảng 10 vạn bầu mai giống chuẩn bị cung cấp cho thị trường.
Tuy đẹp nhưng cây mai trắng lại rất khó tính, đòi hỏi điều kiện khắt khe để có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Để có được cây mai thế đẹp, người trồng phải có ít nhất 3 năm đào mai lên, cắt cành rồi lại trồng xuống, mọi công việc đều phải thực hiện vào dịp cuối năm. Đặc biệt, muốn hoa nở vào đúng thời điểm Tết, người trồng mai phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút, tỉ mẩn suốt cả năm.
“Nếu thời tiết lạnh thì tuốt lá sớm hơn và phải chú ý việc tưới nước cho cây, không tưới quá nhiều. Việc tạo thế cho cây cần thường theo các dáng thế mang những ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, hiện nay nhiều khách hàng ưa chuộng dáng “Bạt phong hồi đầu” bởi nó thể hiện cái tâm thế dù cuộc đời xô đẩy vẫn nhớ về chốn cũ. Và cái dáng xiêu xiêu ấy cũng tượng trưng cho người biết vận dụng thời cuộc” – anh Thụy chia sẻ.
Thu nhập cao
Theo các hộ dân, trồng mai trắng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Nếu tính giá bán buôn, trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên thì ước chừng mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm. Chính bởi thu nhập cao nên nhiều người trong xã đã mạnh dạn đầu tư lớn vào mở rộng ươm, trồng và nhân rộng vườn mai trắng. Nhờ mai bén rễ, tỏa hương, không ít hộ đã xây dựng nhà cửa khang trang, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt. Đến nay, có tới 60% hộ dân trong thôn làm nghề trồng mai trắng.
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sản phẩm mai trắng ở Tản Lĩnh rất đa dạng, giá bán tùy theo tuổi, kích cỡ hay dáng cây, loại to lên vài triệu đồng, thậm chí những cây mai lâu năm giá hàng chục triệu đồng. Những ngày giáp Tết, thôn An Hòa luôn tấp nập thương lái về mua mai mang đi tiêu thụ. Không chỉ bán tại vườn, người dân còn tận dụng công nghệ 4.0 để tiêu thụ mai thông qua các kênh bán hàng online.
Nhiều người chơi mai trắng chia sẻ, đến với loài hoa mai này, thường theo đúng nghĩa "thưởng mai" bởi cần sự yên tĩnh, để thả hồn vào trong từng dáng thế. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh cho biết: “Tôi biết đến mai trắng qua website: Maitrangmienbac.com. Chơi mai là một thú chơi tao nhã trong ngày Tết. Tôi mong muốn sẽ ngày càng có nhiều người yêu mai và thưởng mai, đây cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng riêng của người Việt”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-mai-trang-tat-bat-vao-vu-tet-406208.html