Làng măng khô nhộn nhịp vào mùaKhát vọng của doanh nhân trẻTuyên Quang nhộn nhịp làm mô hình đèn Trung thuNhững chàng trai Tuyên Quang ở Trường SaKhát vọng làm giauỒng Dậu 'Tây' và 7 thập kỷ gửi tâm tư qua tiếng ghi taThương binh tàn nhưng không phế

Ngay từ đầu thôn, những bụi tre được trồng thành hàng như một cách phân định ranh giới nguyên sơ mà hiệu quả. Phó trưởng thôn Vũ Đức Tình tự hào, ở Tân Long này, hiếm có thôn nào có được vẻ lãng mạn, thơ mộng như ở Cường Đạt. Cây tre được trồng từ cách đây ba, bốn chục năm. Thời điểm đầu, bà con chỉ trồng tre để làm nguyên liệu dựng nhà cửa, làm phên vách, sau dần, khi nguyên liệu công nghiệp dần thay thế, bà con chuyển sang khai thác măng làm măng khô.

Đường vào thôn Cường Đạt rợp bóng tre.

Đường vào thôn Cường Đạt rợp bóng tre.

Những ngày tháng 8, nắng vẫn bỏng rát trên đầu, nhưng khu bếp của gia đình đôi vợ chồng người Nùng Vàng Xú Tuân vẫn đỏ lửa. Chiếc nồi nhôm cỡ đại được xếp kín măng, bốc khói nghi ngút. Trong căn bếp chật hẹp, cả gia đình Tuân quây tròn quanh chiếc nong, người lọc củ, người thái măng… Cô con gái lớn Vàng Thị Quỳnh Anh mới 8 tuổi, nhưng tranh thủ ngày hè, cũng lấm lem quanh bếp phụ bố mẹ thái măng.
Anh Tuân bảo, chẳng biết nghề có từ bao giờ, chỉ biết từ lúc nhỏ đã thấy bố mẹ hái măng về làm khô rồi. Chỉ khác là ngày trước, các cụ phơi khô rồi buộc kín trong túi bóng, cất trên gác bếp để dành ngày Tết, còn giờ mình làm măng khô để kiếm tiền.

Anh Vàng Xú Tuân kiểm tra nồi măng luộc. Con gái anh Vàng Tú Xuân tranh thủ ngày hè phụ bố mẹ sơ chế măng.

Anh Vàng Xú Tuân kiểm tra nồi măng luộc. Con gái anh Vàng Tú Xuân tranh thủ ngày hè phụ bố mẹ sơ chế măng.

Nhà Vàng Xú Tuân có hơn 2 ha măng tre. Ngoài khai thác của gia đình, Tuân mua thêm của bà con trồng măng trong làng. Mỗi vụ, vợ chồng anh xuất bán hơn 2 tấn măng khô. Vàng Xú Tuân chỉ ngôi nhà đang xây dang dở khoe, một phần tiền cất ngôi nhà mới này là từ măng mà ra.
Nhà ông Vũ Hồng Quyết những ngày này cũng tất bật củi lửa. Khoảng sân trước nhà ngày thường là sân chơi của lũ trẻ đã được rải bạt tận dụng làm nơi lọc măng, thái măng. Trung bình mỗi vụ măng, gia đình ông thu mua hơn 45 tấn măng tươi và xuất bán cho thị trường 3 đến 4 tấn măng khô. Những củ măng “khổng lồ”, trắng tinh được chia lựa kỹ càng. Phần gốc làm măng miếng, phần ngọn làm măng rối. Theo anh Quyết, các công đoạn làm măng khô đều thủ công, từ khâu chẻ măng, làm lò sấy đến khâu ép măng, sấy măng…

Khoảng sân của gia đình ông Vũ Hồng Quyết được tận dụng để sơ chế măng trước khi đưa vào lò sấy.

Khoảng sân của gia đình ông Vũ Hồng Quyết được tận dụng để sơ chế măng trước khi đưa vào lò sấy.

Để tạo ra sản phẩm măng khô chất lượng, thì sau khi lấy măng tươi về, phải cắt bỏ những đoạn bị xơ (măng già), rồi luộc chín, để nguội, sau đó dùng dao chẻ. Muốn có những lát măng khô đẹp thì trong quá trình chẻ măng, không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày, bởi nếu chẻ quá dày thì măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng thì khi sấy dễ bị gãy nát. Muốn có những mẻ măng sấy vàng óng thơm ngon, đòi hỏi người thợ thủ công phải canh lửa, đảo măng thật kỹ, tránh trường hợp bị cháy sém. Nếu trời nắng, có thể giảm thời gian sấy, thay vào đó mang ra phơi nắng khoảng 1 tiếng đồng hồ thì măng sẽ thơm ngon và để được lâu hơn.

Nghề làm măng khô ở Cường Đạt bắt đầu từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, và kéo dài chừng 4 tháng. Tưởng là nghề tay trái, nhưng hóa ra kiếm thêm cũng khá. Nhiều hộ gia đình ở Cường Đạt sau mỗi vụ măng cũng thu lãi đôi ba trăm triệu đồng, như hộ ông Vũ Hồng Quyết, Nguyễn Văn Chuyên, Bùi Đình Hùng, Nguyễn Sĩ Đào…

Theo Phó Trưởng thôn Vũ Đức Tình, Cường Đạt hiện có gần 200 ha tre. Cả thôn cũng có khoảng 15 hộ xây dựng các lò sấy măng, mỗi vụ, thôn cung cấp cho thị trường khoảng 50 – 60 tấn măng khô các loại, với giá bán từ 160 - 200 nghìn đồng/kg. Sản phẩm măng khô Cường Đạt được thương lái từ các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… đặt mua.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Minh Sáng cho biết, cùng với cá đặc sản, tơ tằm Tân Long, thì sản phẩm măng khô Cường Đạt đã được xã lựa chọn xây dựng thương hiệu theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Tuy nhiên, để nghề này có thể phát triển bền vững, cần tính đến câu chuyện công nghệ.

Phó Trưởng thôn Vũ Đức Tình chia sẻ, hiện hầu hết các hộ sấy măng đều tự xây cất lò thủ công. Các công đoạn từ luộc măng, sấy măng khô đều sử dụng than cám – một loại than nhập từ Thái Nguyên. Sản xuất thủ công nên khói bụi là không thể tránh khỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động.

Lò sấy bán thủ công của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy 3 ngày cho 1 mẻ măng, tiết kiệm một nửa thời gian so với sấy thủ công.

Lò sấy bán thủ công của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy 3 ngày cho 1 mẻ măng, tiết kiệm một nửa thời gian so với sấy thủ công.

Cả thôn hiện mới chỉ có gia đình ông Vùi Tờ Xì là xây dựng được lò sấy bán tự động. Ông Xì bảo, sau gần hai chục năm làm nghề, mãi đến vụ măng này, ông mới cải tiến và tự xây dựng được lò sấy bán tự động để giảm bớt gánh nặng cho mình. Toàn bộ nguyên liệu vẫn là than cám, được đặt dưới cùng của lò. Phía trên ông lắp đặt một giá phơi 4 tầng. Tầng dưới cùng để măng củ, tầng thứ 3 để măng bổ, tầng thứ 2 là măng chuẩn bị khô và tầng trên cùng là măng rối. Cứ 4 - 5 tiếng đồng hồ là ông lại kiểm tra lò và đảo măng 1 lần. Bà Nguyễn Thị Thúy, vợ ông Vùi Tờ Xì bảo, may có sáng kiến này của chồng nên vụ măng này, việc đảo măng không còn vất vả, còn tiết kiệm được một nửa thời gian so với trước đây. Người khỏe hơn, mà măng cũng đảm bảo sạch sẽ hơn so với cách làm cũ.

Sản phẩm măng rối thành phẩm của chị Đặng Thị Linh trước khi đưa ra thị trường.

Sản phẩm măng rối thành phẩm của chị Đặng Thị Linh trước khi đưa ra thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Sáng cho biết, hiện xã đang khuyến khích các chủ lò sấy tìm hiểu cách làm mới để thay thế dần công nghệ cũ, lạc hậu. Có như vậy thì làng nghề mới vươn mình, khi măng khô Cường Đạt xây dựng được thương hiệu, được lựa chọn là sản phẩm chủ lực của xã.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/lang-mang-kho-nhon-nhip-vao-mua-120931.html