Làng may cờ Từ Vân: nơi 'thổi hồn' cho lá cờ Tổ quốc
Những ngày này, trên khắp các nẻo đường, tuyến phố trên cả nước những lá cờ tổ quốc đang tung bay để chào đón ngày Quốc Khánh 2/9. Để có thể làm ra mỗi lá cờ tổ quốc những người thợ đã ngày đêm cần mẫn bằng đôi bàn tay khéo léo cho ra những sản phẩm đẹp nhất, chính xác nhất. Một trong những ngôi làng đã gần 80 năm gắn bó và giữ hồn cho những lá cờ tổ quốc mà chúng tôi muốn nói đến đó là Từ Vân.
Từ những ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân thôn Từ Vân đã làm nghề thêu cờ Tổ quốc. Trải qua hơn 75 năm, nhiều thế hệ người dân trong thôn vẫn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Được cha dạy thêu cờ Tổ quốc từ thuở lên 7, lên 8, đến nay, chị Vương Thị Nhung đã hơn 30 năm trong nghề. Mặc dù đã có công nghệ hiện đại để sản xuất nhanh hơn, nhưng chị Nhung vẫn luôn tâm huyết với việc thêu tay. Bởi lẽ, chị luôn tâm niệm, từng đường kim, mũi chỉ là sự tự hào khi được “thổi hồn” vào những lá cờ Tổ quốc.
Chị VƯƠNG THỊ NHUNG - Thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội: “Mỗi lá cờ tượng trưng cho đất nước và là biểu tượng của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi đức tính mỗi người thợ thêu là cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ phải chuẩn, đẹp. Nhìn thì đơn giản nhưng để thêu được những lá cờ 5 cánh đòi hỏi đâm vào những cánh sao phải xen nhau, xếp rải chỉ đều thì cánh sao mới đẹp được.”
Việc tự tay thực hiện từng đường kim, mũi chỉ không chỉ rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại của mỗi người thợ, mà đó còn là sự giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước vốn đã ăn sâu, bám rễ trong mỗi người dân thôn Từ Vân.
Chị VƯƠNG THỊ NHUNG - Thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội: “Chúng tôi cũng truyền lại cho con những đường kim mũi chỉ, những kỹ thuật thêu lá cờ tổ quốc. Con gái tôi cũng yêu nghề, đi đâu nó nhìn thấy lá cờ là nó cũng cảm thấy vinh dự, tự hào của dân tộc Việt Nam.”
Ông VƯƠNG VĂN VĨNH - Cán bộ văn hóa xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội: “Hàng năm địa phương cũng có những lớp tập huấn, mời các cháu đại diện cho các hộ gia đình đến phổ biến, tuyên truyền, đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nắm được, hiểu được truyền thống của sự hi sinh xương máu của ông cha ta, các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc, đem lại ngày độc lập và vinh quan cho tổ quốc như ngày hôm nay.”
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sự, đến nay, nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở thôn Từ Vân vẫn được duy trì và phát triển. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề thêu và may cờ Tổ quốc của thôn Từ Vân sẽ trường tồn theo thời gian.
Thực hiện : Phạm Cường
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lang-may-co-tu-van-noi-thoi-hon-cho-la-co-to-quoc