Làng mộc, làng hoa...
Cho đến bây giờ, làng mộc, làng hoa ở Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bắt nguồn từ đâu, với nhiều người vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời. Một làng quê ven sông Vệ nước lững lờ trôi, đất đai màu mỡ, cây cối chẳng những tươi tốt, mà con người lại 'thủy chung' với nghề. Về đây, nghe người dân kể những câu chuyện gần gũi, quen thuộc, nhưng lạ mà hay.'Tôi đã đi các nơi để trồng hoa, nhưng không nơi nào như đất Nghĩa Hiệp. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hoa cúc Nghĩa Hiệp, người trồng hoa quê tôi lòng vui như mở hội, mở ra tương lai tươi sáng cho làng hoa'.
Người dân trong làng nói vui, nơi đây là "thành phố của ánh sáng, âm thanh và sắc màu", và về đây để cảm nhận, thì điều này chẳng hề sai.
Làng mộc xưa và nay
Vừa đặt chân đến làng Đông Mỹ, Hải Môn, chúng tôi đã nghe tiếng cưa, xẻ gỗ, tiếng đục, gõ... của thợ mộc cùng mùi hương đặc trưng của dầu vecni... Xã Nghĩa Hiệp có khoảng 150 hộ làm nghề mộc, nhưng chủ yếu tập trung ở thôn Đông Mỹ, Hải Môn. Dẫu vậy, người dân trong làng chẳng biết nghề mộc hình thành ở đất này từ khi nào, ai là ông tổ của nghề, chỉ biết rằng nghề mộc đã có từ rất lâu đời, cha truyền con nối cho đến tận ngày nay.
Cụ ông Chế Sỹ một đời gắn bó với nghề mộc. Ảnh: PL
Cách đây gần chục năm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cử cán bộ về đây điền dã, song vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về thời điểm ra đời nghề mộc, chỉ biết rằng nghề này tồn tại từ rất lâu đời tại thôn Đông Mỹ. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nghề mộc mang tính chất gia đình, sản phẩm bán tại địa phương, sau đó làng nghề ngày một phát triển, nhiều xưởng lớn ra đời, sản phẩm từ làng mộc Nghĩa Hiệp "tỏa" đi khắp nơi. Làng mộc Nghĩa Hiệp nổi tiếng với các sản phẩm mà người dân địa phương gọi là "đồ mớp" như bàn, ghế, tủ... Những người sành chơi đồ gỗ thường tìm đến Nghĩa Hiệp để mua món hàng mình thích. Nói về độ tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đây thì nhiều người bảo là "mê". Ông Phạm Văn Chương (60 tuổi), ở thôn Đông Mỹ, bảo rằng: Nghề này phải kiên trì, tỉ mỉ. Nghề mộc ở đây tồn tại hàng trăm năm cũng vì chất lượng, uy tín, nên khách hàng ưa chuộng.
Một trong những người làm nghề mộc lâu năm ở Nghĩa Hiệp là ông Chế Sỹ, người làng Đông Mỹ, làm nghề từ năm 15 tuổi, giờ đã 75 cái xuân sang. "Từ đời nào miết tới giờ, lớn lên theo ông già làm nghề, gần hết đời rồi cũng vẫn làm, giờ đứa con trai cũng nối nghề. Nghề này thong thả hơn nghề nông, trời thương khỏe mạnh thì tôi sẽ làm cho đến khi nào không cầm nổi chiếc đục nữa thì thôi", ông Sỹ bày tỏ. Thu nhập của nghề mộc được người trong nghề giấu kín, chỉ biết là đời sống của họ ổn định, nhiều gia đình khấm khá.
Ngày nay, các công đoạn đục, chạm đều làm bằng máy, nhưng ông Sỹ bảo vẫn thích làm bằng tay hơn cả, chỉ có sản phẩm làm bằng tay mới tạo nét độc đáo, tinh tế riêng có của mỗi người thợ lành nghề. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người thợ lão làng ở làng mộc ven sông Vệ này.
Xã Nghĩa Hiệp có nhiều thợ mộc danh tiếng. Trước kia có ông Cửu Biện, người làng Đông Mỹ là thợ mộc đạt trình độ tinh xảo, những học trò của ông như ông Chế Ân, Đặng Sơ, Nguyễn Ngôn, Lê Hiếu... đã truyền nghề cho lớp con cháu sau này khắp 8 thôn.
Trồng hoa và "hái" ra tiền
Không phải ngẫu nhiên mà người dân địa phương ví von "Nghĩa Hiệp là thành phố". Bởi ngoài hai mùa mưa, nắng, ở đây có một mùa rất đặc biệt, đó là mùa "không cho hoa ngủ", biến đêm thành ngày, đèn điện sáng rực khắp làng trên, xóm dưới. Chong đèn điện để cúc không đóng búp suốt một thời gian dài. Điện cúp giữa chừng thì thôi rồi, người trồng hoa như ngồi trên đống lửa.
Chăm sóc hoa cúc ở làng hoa Nghĩa Hiệp. Ảnh: PH.LÝ
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An nói đùa rằng, đất Nghĩa Hiệp đã phát triển nghề nào thì nghề đó nhất định nổi tiếng. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở phủ Tư Nghĩa không đâu bằng xã Nghĩa Hiệp. Ngày ấy, ở các làng ven sông Vệ này, đi đâu cũng nghe tiếng quay tơ và tiếng kẽo kẹt của khung dệt, thế mới có câu ca: "Ai về Nghĩa Hiệp quê ta/ Đồng xanh dâu biển, mỗi nhà đầy tơ". Rồi đến nghề mộc, nghề trồng hoa, phát triển từ làng này sang làng nọ, riết rồi quen gọi làng mộc, làng hoa.
Toàn xã hiện có khoảng 500 hộ làm nghề trồng hoa, chủ yếu là hoa cúc, lúc đầu tập trung ở thôn Hải Môn, về sau phát triển sang Đồng Viên, Thế Bình và một số thôn khác, dần dà thì trở thành "thủ phủ hoa cúc" ở Quảng Ngãi. Cứ đến tháng bảy âm lịch, người trồng hoa lại tất bật vào vụ để có hoa bán trong dịp Tết. Những tháng mà ở các nơi gọi là nông nhàn, với người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp thì làm việc đến quên ăn. Chơi hoa vừa để thỏa thú vui tao nhã, cũng là nghề "hái" ra tiền, bởi trồng hoa cho thu nhập cao gấp ba lần trồng lúa. Nhiều gia đình thu nhập vài chục, đến vài trăm triệu đồng trong mỗi vụ bán hoa chứ chẳng ít.
Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng hoa cúc Nghĩa Hiệp NGUYỄN VĂN TOA
Làng hoa Nghĩa Hiệp thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: PL
Làng hoa Nghĩa Hiệp luôn tươi mới, rực rỡ bởi sắc màu, hương thơm của các loài hoa, điều đó đã mang lại nét đẹp riêng có ở vùng đất này. Cứ vào vụ trồng hoa mới là suốt mấy tháng trời chộn rộn khắp cả làng, hoa cúc thì 4 tháng, hoa hồng 6 tháng... Đến độ Xuân về, hoa đua nở, Nghĩa Hiệp lại tấp nập các loại xe cộ chở hoa đi khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đấy cũng là góp sắc xuân cho các vùng miền.
Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng hoa cúc Nghĩa Hiệp Nguyễn Văn Toa hớn hở chia sẻ: "Tôi đã đi các nơi để trồng hoa, nhưng không nơi nào như đất Nghĩa Hiệp, có lẽ nhờ phù sa bồi đắp nên cúc Nghĩa Hiệp thân mập, búp to, nhiều bông hơn, cánh bông dày, đẹp hơn.
Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hoa cúc Nghĩa Hiệp, người trồng hoa quê tôi lòng vui như mở hội, mở ra tương lai tươi sáng cho làng hoa". Nói rồi, ông Toa chỉ tay về phía vườn hoa ngay trước sân nhà bảo: "Cúc, hồng... đã có chủ cả rồi đấy. Cận Tết người ta sẽ đến chở hoa. Trồng hoa giờ khỏe lắm, bán sỉ chứ không đẩy xe đi bán lẻ như trước. Tôi trồng 200 chậu cúc, trừ chi phí kiếm được 18 triệu đồng; 100 chậu hồng kiếm được 20 triệu đồng, có tiền tiêu Tết và chút ít để dành". Chị Bùi Thị Ngọc Tùng (41 tuổi) ở thôn Hải Môn cười tít mắt góp lời: "Nhà mình trồng 1.000 chậu cúc lớn, nhỏ, cũng đã có người đặt mua cả rồi. Năm nay, giá hoa nhỉnh hơn, nên ai cũng vui"...
Chúng tôi có một ngày thong dong ở làng mộc, làng hoa Nghĩa Hiệp. Đọng lại là những chuyện nghề đầy thú vị và nụ cười hồn hậu, chân quê của những người thợ, người trồng hoa ở làng nghề truyền thống. Đúng như lời của Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An, người dân nơi đây cần cù, chịu khó nên làng nghề được giữ gìn và phát triển, đời sống khấm khá hơn, làng quê Nghĩa Hiệp khởi sắc theo cách riêng của mình.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202101/lang-moc-lang-hoa-3041843/