Làng nặn tượng ông Công ông Táo duy nhất ở Thừa Thiên Huế vắng vẻ ngày cuối năm

Khác với cảnh đông đúc, huyên náo trước đây, Làng Địa Linh - ngôi làng duy nhất tại Thừa Thiên Huế còn lưu giữ nghề nặn tượng ông Công ông Táo bỗng vắng vẻ, đìu hìu khác thường trong những ngày cuối năm.

Theo truyền thống cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm được cho là ngày Táo quân, vị thần trông coi bếp sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo lại mọi việc xảy ra trong năm qua. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.

Làng Địa Linh - xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu được biết đến là nơi duy nhất còn lưu giữ nghề làm tượng ông Công ông Táo với lịch sử lâu đời. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai ghé thăm làng Địa Linh đều cảm nhận được không khí tất bật, rộn ràng bởi những tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc cùng mùi khét của đất sét nung.

Mỗi dịp Tết đến làng Địa Linh lại nhộn nhịp, tất bật sản xuất tượng ông Công, ông Táo

Mỗi dịp Tết đến làng Địa Linh lại nhộn nhịp, tất bật sản xuất tượng ông Công, ông Táo

Để cho ra đời những tượng ông Táo hoàn chỉnh, kịp cho các gia đình “rước” về đón Tết, những người thợ làng Địa Linh phải cẩn thận từng bước một, từ khâu chọn lựa đất sét đến công đoạn nhào nặn, in khuôn, nung gốm và tô điểm cho tượng. Tượng được phơi khô, cho vào lò nung, công đoạn này thường mất 2 - 3 ngày, nếu thời tiết không nắng ráo, có khi họ phải dùng quạt máy để hỗ trợ cho quá trình phơi khô.

Chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi) là người có nhiều năm nặn tượng ông Công, ông Táo tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh cho biết: "Mỗi dịp Tết đến gia đình tôi thường làm khoảng 50.000 tượng, bán ra thị trường 1.400 đồng/1 tượng. Quá trình làm sẽ bắt đầu vào tháng 3 vì trời nắng quá trình phơi tượng sẽ nhanh khô hơn. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét được tìm mua từ các làng chuyên làm gạch gói. Khi tượng được đúc ra lò sẽ có màu hồng nhạt, sau đó nhuộm màu lên".

Mỗi năm gia đình chị Hòa sản xuất khoảng 50.000 tượng với giá 1.400 đồng/1 tượng

Mỗi năm gia đình chị Hòa sản xuất khoảng 50.000 tượng với giá 1.400 đồng/1 tượng

"Nghề làm tượng ông Công ông Táo đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều công sức nhưng kinh tế mang lại không cao nên hiện tại trong làng Địa Linh chỉ còn rất ít nhà giữ nghề này", chị Hòa cho biết thêm.

Đang cặm cụi sắp xếp những chiếc tượng ông Công ông Táo đưa vào lò nung, ông Võ Văn Nam (54 tuổi) cho biết, mỗi lần nung được 2000 tượng và phải nung trong 2 ngày mới lấy tượng ra được. Quá trình làm tượng rất phức tạp vì trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ khâu chọn đất sét rồi nhồi đất đến khi nặn tượng.

"Khi cho đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt để tượng không bị méo. Lấy tượng khỏi khuôn cũng đòi hỏi phải thật khéo, sau khi tượng rút bớt nước thì đem phơi khoảng một buổi rồi mới cho vào lò nung", ông Nam cho biết.

Mỗi lò sẽ nung được khoảng 2.000 tượng và phải nung trong 2 ngày mới có thể đưa ra

Mỗi lò sẽ nung được khoảng 2.000 tượng và phải nung trong 2 ngày mới có thể đưa ra

Tượng ông Công ông Táo chỉ bán được trong tháng Chạp nhưng phải làm từ mùa hè nhằm tận dụng nắng để phơi tượng. Ngày trước, đến Địa Linh vào thời điểm này, xóm làng vui nhộn, tấp nập cảnh tượng những người làm tượng ông Công ông Táo chở đi bỏ cho các thương lái ở nhiều nơi nhưng những năm trở lại đây, theo chia sẻ của những người trong làng chỉ còn bốn anh em cụ Võ Văn Đức giữ nghề này.

Sau khi nhồi đất vào khuôn, tượng được lấy ra để ráo nước mới có thể đưa vào lò nung

Sau khi nhồi đất vào khuôn, tượng được lấy ra để ráo nước mới có thể đưa vào lò nung

Ông Võ Văn Hay (60 tuổi) con của cụ Võ Văn Đức chia sẻ: "Thời vừa có tivi cũng là lúc xuất hiện nghề làm tượng ông Công ông Táo dịp Tết cổ truyền dân tôc. Ông Táo sau này có nhiều thay đổi về màu sắc hơn so với ngày xưa khi được sơn và rắc kim tuyến lên bề mặt. Tuy nhiên, người Huế xưa vẫn chuộng thờ ông Công ông Táo theo hình thức mộc mạc trước đây".

Ông Võ Văn Nam cho biết, nghề làm tượng ông Công ông Táo xuất hiện tại làng từ khi bắt đầu có tivi

Ông Võ Văn Nam cho biết, nghề làm tượng ông Công ông Táo xuất hiện tại làng từ khi bắt đầu có tivi

Do tính kinh tế không cao nên nghề làm tượng ông Công ông Táo không còn hấp dẫn với số đông người dân tại làng Địa Linh

Do tính kinh tế không cao nên nghề làm tượng ông Công ông Táo không còn hấp dẫn với số đông người dân tại làng Địa Linh

Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, ông Trương Đắc Giàu - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nghề đúc tượng ông Công ông Táo đã có tại địa phương từ lâu. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên hiện nay tại làng Địa Linh chỉ có 4 hộ theo giữ nghề này.

“Tính trung bình mỗi tượng họ chỉ lời từ 500 – 700 đồng. Dẫu vậy, nghề đúc tượng cũng đã mang lại công ăn việc làm và giúp họ có nguồn thu nhất định”, ông Giàu cho biết.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/lang-nan-tuong-ong-cong-ong-tao-duy-nhat-o-thua-thien-hue-vang-ve-ngay-cuoi-nam-d164853.html