Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu rộn ràng những ngày cận Tết
Trong nhiều làng nghề gói bánh chưng, Bờ Đậu-Thái Nguyên nổi tiếng với hương cùng đặc sắc. Ngoài các loại bánh chưng hình vuông truyền thống, nơi đây còn sản xuất cả bánh chưng dài rất được ưa chuộng.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Bánh chưng tượng trưng cho Đất, là một trong những món không thể thiếu ở mâm cơm ngày Tết. Theo truyền thuyết, bánh chưng thể hiện sự biết ơn Trời Đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Chính vì thế, những ngày cận Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất trong năm tại làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Tuy không phải là làng nghề hàng trăm năm tuổi nhưng bánh chưng Bờ Đậu đã có lịch sử từ trước năm 1970. Trước kia, những người lớn tuổi tại địa phương do tuổi cao sức yếu không thể lao động nặng nên đã làm bánh để bán cho người đi đường, dần dần hình thành một làng nghề ngay trên quốc lộ như ngày nay.
Trên cả nước có rất nhiều làng nghề gói bánh chưng, tuy nhiên, bánh chưng Bờ Đậu mang một hương vị rất riêng biệt, gây thương nhớ, bởi sự tỷ mỷ, cẩn thận trong từng khâu làm bánh đã được truyền đời ở nơi đây.
Bánh hoàn toàn gói bằng tay, không dùng khuôn đồng thời gạo chỉ rửa sạch chứ không ngâm. Đặc biệt việc chọn nguyên vật liệu vô cùng khắt khe: Phải là lá dong rừng, đỗ xanh lòng vàng, gạo nếp thơm không lẫn tẻ, không ẩm mốc, thịt lợn tươi ngon, hạt tiêu rang thơm tán nhỏ, trộn gia vị vừa phải...
Ngày nay, do nhu cầu của thị trường mà bánh chưng tại làng Bờ Đậu không chỉ có hình vuông mà còn có những hình dáng, màu sắc khác khau. Màu đen của gạo nếp cẩm; màu xanh của cốm giã non trộn với nước lá giềng; màu đỏ của trái gấc...
Năm mới đang tới rất gần, sự ấm cúng từ nồi bánh chưng Bờ Đậu như càng lan tỏa đến nhiều mâm cỗ của gia đình Việt. Dù bánh chưng có hình vuông hay dài, có màu xanh hay màu đỏ, thì cũng đều mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mưa thuận, gió hòa, an khang, thịnh vượng.