Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ vào xuân

Chạy dọc trên con đường nội ô thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang) vào buổi sáng sớm mới có thể cảm nhận hết hương vị thơm lừng của mùi bánh phồng xứ đạo. Hương nếp mới ngan ngát từ những bếp nhà ven hai bên đường quyện cùng chút hanh hanh của buổi sớm mai, mang đến một mùi hương rất đặc trưng không lẫn vào đâu được của làng bánh phồng Phú Mỹ.

Theo nhiều cụ cao niên ở đây cho biết, từ khi người dân biết trồng nếp thì cái bánh phồng cũng bắt đầu xuất hiện, đến nay cũng ngót gần 100 năm. Qua bao nhiêu thăng trầm, đổi thay của thời gian, chiếc bánh phồng vẫn gắn với hạt nếp Phú Tân, gắn bó với cuộc sống của người dân xứ cù lao chân chất, nghĩa tình.

 Những ngày giáp tết, làng bánh phồng Phú Mỹ rộn rã hơn bởi bà con chuẩn bị bánh phồng bán tết.

Những ngày giáp tết, làng bánh phồng Phú Mỹ rộn rã hơn bởi bà con chuẩn bị bánh phồng bán tết.

Ông Lê Thiện Hiền tại ấp Thượng 3, hẻm 13, thị trấn Phú Mỹ, người đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm bánh phồng cho biết, bánh phồng Phú Tân bây giờ không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh, thành phố khác kể cả nước bạn Campuchia. Đối với nhà ông Hiền cũng như hàng chục hộ dân ở ấp Thượng 3 này thì nghề làm bánh phồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 Những mẻ bánh đều tăm tắp chuẩn bị được hong khô trong nắng sớm.

Những mẻ bánh đều tăm tắp chuẩn bị được hong khô trong nắng sớm.

Làm loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao, tuy vậy, làm bánh phồng cũng khá công phu. Bánh phồng thường có hai loại cơ bản, bánh phồng nếp và bánh phồng mì. Dù theo loại nào, cách làm bánh cũng trải qua các công đoạn xôi nếp, hấp mì; quết bột; cán bánh và phơi liên tục với nhau. Chính vì vậy, bánh phồng hiếm khi được quết ban ngày mà thường phải quết bánh vào nửa đêm về sáng để kịp đưa ra phơi nắng sớm. Từng nhịp chày âm vang trong gió chướng lúc nửa đêm về sáng đã pha chất thi vị cho không gian làng quê những ngày giáp Tết. Thông thường mỗi mẻ bánh là 16 lít nếp, khi xôi chín chia thành hai cối, quết thật nhuyễn. Trong lúc quết có một thợ nhồi bột, ngồi ngay bên cạnh cối để lăn trộn bột và cho thêm các loại gia vị như nước cốt dừa, đường vào bột.

 Nắng tốt là niềm phấn khởi của những người dân ở làng bánh phồng Phú Mỹ.

Nắng tốt là niềm phấn khởi của những người dân ở làng bánh phồng Phú Mỹ.

Như chia sẻ của ông Lê Thiện Hiền: “Bánh ngon hay không phần lớn được quyết định từ khâu này, người nhồi khéo tay lăn trở đều gia vị ngấm tan đều, bột nhuyễn mịn không bị chai sượng. Vì khi nhồi bột phải thật đều tay, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn và không còn nguyên hạt nếp, không nhão quá cũng không khô quá, bánh mới nở đều và xốp khi nướng”.

Bánh phồng bên bếp lửa cùng đôi tay khéo léo của người phụ nữ.

Bánh phồng bên bếp lửa cùng đôi tay khéo léo của người phụ nữ.

Thế mới thấy, trước sự xuất hiện của rất nhiều sản phẩm bánh ta, bánh Tây… nhưng chiếc bánh phồng vẫn giữ nguyên giá trị của nó, bởi hương vị đặc trưng, độc đáo không lẫn vào đâu được.

Ngày Tết, mâm cơm cúng ông bà ở quê thường có dĩa bánh phồng – như lễ vật nguồn cội dâng lên tổ tiên. Đĩa bánh thật to, tròn đầy như sự ước mong đủ đầy, viên mãn.

Bài, ảnh: HÒA TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lang-nghe-banh-phong-phu-my-vao-xuan-651342