LẮNG NGHE DÂN, HÀNH ĐỘNG VÌ DÂN

Định kỳ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp xúc với người dân để lắng nghe những ý kiến đóng góp, hiến kế của dân, bổ sung vào chủ trương lãnh đạo của đảng bộ, chính sách và chương trình hành động của chính quyền, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị sáng tạo, xây dựng thành phố văn minh-hiện đại-nghĩa tình.

Các cơ quan, phương tiện truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, đầy đủ những kiến nghị, hiến kế của dân, giúp lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu một cách cụ thể, toàn diện các ý kiến đóng góp, xây dựng, phản biện…

Đó là những mong muốn, quyết tâm, thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển thành phố hiện tại và tương lai. Đây không phải là vấn đề mới. Việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng, phản biện từ các tầng lớp nhân dân đã được lãnh đạo thành phố thực hiện từ lâu và thường xuyên, nhất là sau khi TP Hồ Chí Minh được Quốc hội cho phép triển khai thí điểm cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, mức độ triển khai, hiệu quả đạt được từ các kênh thông tin kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển đô thị chưa thực sự toàn diện, sâu sắc, chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo to lớn trong nhân dân. Phần lớn các ý kiến đóng góp mới chỉ tập trung vào giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý…

 Hội nghị tiếp xúc giữa người đứng đầu chính quyền quận 12 (TP Hồ Chí Minh) với công nhân lao động trên địa bàn quận. Ảnh: quan12.hochiminhcity.gov.vn

Hội nghị tiếp xúc giữa người đứng đầu chính quyền quận 12 (TP Hồ Chí Minh) với công nhân lao động trên địa bàn quận. Ảnh: quan12.hochiminhcity.gov.vn

Việc ban hành Kế hoạch số 305 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong bối cảnh hiện nay chính là nhằm khơi dậy một cách mạnh mẽ, toàn diện sức dân, bao gồm cả trí tuệ, kinh nghiệm, những bài học rút ra từ chính cuộc sống của nhân dân.

Trước khi ban hành Kế hoạch số 305, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã triển khai một chuỗi các chương trình, hoạt động, nhằm phát huy sức dân. Đáng chú ý là những cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của nhân dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh trong đấu tranh, lao động, sáng tạo và cống hiến. Thực tế cũng đã chứng minh, tại một số điểm “nóng”, điển hình như ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua, chính việc cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến rộng rãi của người dân đã giúp lãnh đạo thành phố đề ra những giải pháp khả thi, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của dân.

Bài học kinh nghiệm từ tổ tiên, cha ông ta trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong từng giai đoạn lịch sử. “Lấy dân làm gốc” là mục tiêu, chủ trương xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Việc phát huy, vận dụng quan điểm, chủ trương nhất quán ấy ở từng địa phương, từng hoàn cảnh cụ thể, đòi hỏi phải có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, biết khơi đúng mạch để nguồn lực vô tận trong dân chảy đúng dòng, đúng hướng. Có như vậy mới phát huy tối đa tiềm lực sáng tạo to lớn trong dân.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đầu tiên của cả nước được áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Quốc hội. Mọi chủ trương, giải pháp, chương trình hành động đều hướng đến mục tiêu cao nhất, đó là vì cuộc sống của nhân dân. Việc lắng nghe, tiếp thu những hiến kế, góp ý từ người dân sẽ giúp lãnh đạo thành phố có được những thông tin cụ thể nhất, sát thực nhất, thiết thực nhất từ chính cuộc sống của nhân dân. Rất nhiều những ý tưởng, công trình sáng tạo có giá trị khoa học và thực tiễn to lớn được ra đời từ chính môi trường, kinh nghiệm lao động của người dân.

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ dân để hành động vì dân là bài học chung cho tất cả tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Từ cách làm của TP Hồ Chí Minh cho thấy, để khơi dậy sức sáng tạo, tiềm lực to lớn trong dân, chúng ta phải có chương trình, lộ trình bài bản, khoa học, chứ không thể nói suông hay hô hào chung chung.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-nghe-dan-hanh-dong-vi-dan-591360