Lắng nghe để thấu hiểu và sẻ chia

Học sinh phổ thông đang là lứa tuổi phát triển mạnh về tâm sinh lý. Ở độ tuổi này, khi đối mặt với áp lực căng thẳng trong học tập, các vấn đề trong quan hệ gia đình và xã hội, nếu không được định hướng đúng đắn, các em dễ bị ảnh hưởng tâm lý, phát sinh các hành vi tiêu cực, cá biệt, có em rơi vào trầm cảm, tự kỷ và trạng thái tâm lý xấu. Vì vậy, các nhà trường luôn chú trọng quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường, lắng nghe, sẻ chia, hỗ trợ học sinh rèn kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, giúp các em có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách.

Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: Trà Hương

Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: Trà Hương

Từ năm 2020, Trường THPT Vĩnh Yên đã thành lập Phòng tâm lý học đường nhằm hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Phòng tâm lý học đường được nhà trường thiết kế theo hướng mở, hiện đại với đầy đủ khu vực chức năng như góc trưng bày sách chuyên đề về tâm lý, nuôi dưỡng cảm xúc; khu vực làm việc nhóm; góc tham vấn cá nhân; góc cảm xúc, sáng tạo.

Nhà trường có 7 giáo viên tham gia Tổ tư vấn tâm lý học sinh và 1 đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này. Giáo viên chủ nhiệm và thành viên tổ tư vấn tâm lý luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh, thường xuyên tương tác để kịp thời giúp đỡ các em khi cần thiết.

Hình thức tư vấn được thực hiện linh hoạt, phù hợp theo mong muốn và nguyện vọng của các em. Trên cơ sở nguyên tắc luôn tôn trọng quyền riêng tư, giữ bí mật và tôn trọng cảm xúc cá nhân của học sinh, sau 2 năm hoạt động, Phòng tâm lý học đường của Trường THPT Vĩnh Yên đã trở thành “chỗ dựa tinh thần” cho học sinh; nhiều em đã cởi mở chia sẻ các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường; vấn đề phát sinh trong mối quan hệ bạn bè, gia đình và xã hội.

Cùng với hình thức tư vấn, chia sẻ cá nhân 1:1, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các chuyên gia tổ chức chương trình chuyên đề về tư vấn cho học sinh thông qua các talk show mang tên “Thấu cảm hiện tại, vững bước tương lai”, “Ứng phó với căng thẳng”, “Thải độc cảm xúc”…; tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thiết lập kênh thông tin, phối kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để nắm bắt tâm lý, kịp thời hỗ trợ, tham vấn cho các em khi cần thiết.

Nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý cho học sinh, nhiều thầy, cô giáo đã chủ động tìm hiểu, trau dồi kiến thức, học tập các phương pháp tư vấn tâm lý, điển hình như cô giáo Lưu Thị Phương Loan, giáo viên môn Lịch sử, thành viên Tổ tư vấn tâm lý học sinh, Trường THPT Vĩnh Yên.

Dù bận rộn công việc chuyên môn, tuy nhiên, bằng cái “tâm” với nghề và tình yêu với học sinh, cô Loan đã nỗ lực sắp xếp thời gian để tham gia chương trình đào tạo Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng tại Học viện Quản lý giáo dục.

Cô Loan luôn tâm niệm, nghề dạy học là dạy làm người, vì vậy, cùng với việc truyền đạt kiến thức, điều quan trọng hơn là phải giúp các em hình thành nhân cách tốt đẹp, luôn hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Qua những lời tâm sự của học trò, cô Loan đã nhiều lần giúp học sinh giải tỏa được áp lực tâm lý, có cách xử lý tình huống đúng đắn, hoàn thành việc học tập tốt hơn.

Bày tỏ quan điểm về công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường THPT, thầy Nguyễn Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tam Dương, huyện Tam Dương cho rằng, hiện nay, các nhà trường đều quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường, tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn do thiếu kinh phí, giáo viên phụ trách nội dung này còn thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên ngành; các vấn đề về bạo lực học đường, áp lực trong các mối quan hệ gia đình và xã hội khiến nhiều học sinh dễ rơi vào các trạng thái tâm lý xấu; một bộ phận phụ huynh chưa thực sự quan tâm, chia sẻ với con em mình.

Để giải quyết những khó khăn đó, thầy giáo Nguyễn Thế Dũng mong muốn, cần tiếp tục có những khóa học, chương trình tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho giáo viên về tư vấn tâm lý học đường; gia đình và xã hội cần quan tâm thiết thực hơn đến công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh THPT; tăng cường truyền thông thực hiện hoạt động tư vấn bằng các hình thức phong phú, đa dạng, liên tục và có chiều sâu.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành GDĐT kịp thời thực hiện công tác phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh gặp các vấn đề về tâm lý; sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy định, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này…

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/83576/lang-nghe-de-thau-hieu-va-se-chia.html