Lắng nghe hơi thở đại ngàn
Nhắc đến vùng đất Lào Cai nói riêng, Tây Bắc nói chung, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tưởng tượng của bất kỳ ai cũng là vùng đất hùng vĩ, cheo leo, trập trùng đồi núi, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống.
Quả thực, dù đến Lào Cai, Tây Bắc hay chưa thì hình ảnh ấn tượng nhất, cũng là đặc trưng của vùng đất này chính là những dãy núi cao vời vợi. Lào Cai có nhiều đỉnh núi nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như đỉnh Fansipan được mệnh danh “Nóc nhà Đông Dương” cao 3.143 m, đỉnh Ky Quan San cao 3.046 m, đỉnh Nhìu Cồ San cao 2.965 m, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858 m, đỉnh Lảo Thẩn cao 2.680 m so với mực nước biển… Câu chuyện về Tây Bắc, về đại ngàn, rừng núi giống như một trường thiên tiểu thuyết kể mãi không hết những điều hấp dẫn.
Tôi nhớ cách đây hơn chục năm đã có chuyến chinh phục đỉnh Fansipan trong một ngày đầy mưa gió và sương mù. Con đường mòn ẩm ướt và trơn trượt xuyên qua những cánh rừng cổ thụ rêu phong, u tịch, rồi bám vào triền núi cheo leo bạt gió chỉ có loài trúc lùn sống được trước khi đến đỉnh núi đá cao 3.143 m. Chặng đường hàng chục km vượt núi khiến cái lạnh ngấm vào da thịt, tay chân tê cóng, nhiều lúc chỉ muốn dừng lại bởi hành trình quá gian nan. Còn khi leo đỉnh Ky Quan San, khó khăn nhất là vượt “sống lưng khủng long”, gió rít từng cơn thổi qua tưởng chừng như không trụ vững có thể bị thổi bay xuống vực sâu hun hút…
Vậy nhưng, hành trình chinh phục những đỉnh núi cao nhất cũng là hành trình đầy thú vị, hấp dẫn. Thật không thể diễn tả được cảm xúc say đắm khi ở độ cao 2.800 m trên núi Fansipan gặp quần thể hoa đỗ quyên cổ thụ hoa trắng, hoa đỏ bung nở tràn thung lũng hay ngắm quần thể Vân sam như những tòa tháp xanh khổng lồ. Nếu bạn đã từng chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, Nhìu Cồ San hẳn không thể quên được dòng suối trong vắt giữa rừng già đẹp như mơ, nhất là vào độ cuối thu lá phong đỏ rụng đầy ven suối, hoặc mùa đông leo núi Ky Quan San được “sống ảo” giữa khu rừng cổ thụ bám đầy rêu xanh, rêu vàng huyền bí… Tuyệt vời nhất là khoảnh khắc được đón mặt trời mọc hoặc ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi cao, nhìn xuống phía dưới là biển mây bồng bềnh nhuộm màu nắng đẹp như chốn bồng lai, tiên cảnh. Mấy năm trở lại đây, du lịch chinh phục các đỉnh núi cao săn mây, ngắm cảnh là loại hình hấp dẫn nhiều du khách, đặc biệt là từ cuối mùa thu cho đến hết mùa xuân.
Hãy thôi nói về vẻ đẹp của những đỉnh núi và những cánh rừng bởi mọi ngôn từ dường như không thể diễn tả hết được mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc và tâm hồn. Điều tôi muốn nói thêm là từ hàng nghìn năm qua núi rừng đã chở che, nuôi sống con người như thế nào và cách ứng xử của con người với đại ngàn. Trải qua nhiều đời, đồng bào các dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao, người Hà Nhì,… đã định cư trên núi, sống dựa vào rừng. Đại ngàn đã hào phóng ban tặng cho con người những gì cần thiết để sinh tồn. Hãy nghe những ca từ và giai điệu trong bài hát “Giữa Y Tý đại ngàn” của nhạc sĩ Đình Trọng: “Về Y Tý lắng nghe tiếng đại ngàn ru/Người Y Tý sống trong đại ngàn vi vu/Rừng cho nước khai ruộng bậc thang/Rừng cho gỗ bản ta làm nhà/ Rừng cho nước về dân bản vui/Và xua đi lạnh giá mùa đông…”.
Sống dựa vào rừng, từ xưa đồng bào các dân tộc đã hình thành nên ý thức bảo vệ rừng như bảo vệ sự sống của mình. Điều đó thể hiện qua những tín ngưỡng dân gian, những phong tục, tập quán trong đời sống hằng ngày. Người Hà Nhì, người Mông, người Dao, người Pa Dí và nhiều dân tộc khác đều có những khu rừng cấm nơi diễn ra các nghi thức tâm linh thờ cúng Thần Rừng. Nghệ nhân Ưu tú Ly Seo Chơ, thôn Lao Chải, xã Y Tý bảo quanh mỗi thôn người Hà Nhì có tới 4 khu rừng cấm bất khả xâm phạm. Dịp đầu năm mới và tháng 6 âm lịch, đồng bào các dân tộc tưng bừng chuẩn bị lễ vật tạ ơn Thần Rừng và các vị thần linh, cầu mong các vị thần phù hộ con người an yên, vật thịnh, mùa màng bội thu.
Dù ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng các dân tộc cao như vậy, nhưng trải qua thời gian, trước nhu cầu mưu sinh và lợi ích của con người, không biết có bao nhiêu cánh rừng đã bị tàn phá. Vào mùa khô hằng năm, nhất là trước và sau tết Nguyên đán, đồng bào vùng cao lên núi làm nương, cũng là cao điểm hay xảy ra cháy rừng. Cách đây nhiều năm, tập quán du canh, du cư của người Mông đã khiến nhiều khu rừng “kêu cứu”. Màu xanh của đại ngàn cứ lùi xa nhường chỗ cho nương ngô, nương sắn, nương xuyên khung… Những khu rừng cổ thụ với nhiều loài gỗ quý như pơ mu, sến, lim, nghiến, dổi… bị lâm tặc rình rập, triệt phá không thương tiếc. Giờ đây, lên nhiều bản làng vùng cao, thật đau xót khi thấy gỗ quý trên rừng không còn nhưng quanh nhà nhiều hộ dân vẫn tích trữ đầy gỗ để làm nhà cửa, đồ dùng.
Trên hành trình chinh phục một số đỉnh núi cao như Ky Quan San, Lảo Thẩn, bất kỳ du khách nào cũng phải nhói lòng khi nhìn khu rừng nguyên sinh trước đây chỉ còn trơ lại những gốc cây, thân cây cổ thụ bị đốt cháy sém, mặt đất chỉ còn toàn cây bụi và cỏ dại. Chị Huyền, một du khách từ Đà Lạt khi leo núi Lảo Thẩn đã phải than thở với tôi cả một đoạn đường dài không có lấy một bóng cây tránh nắng dọc đường, nhìn đâu cũng thấy đồi núi trọc. Đến bao giờ rừng tự nhiên mới tái sinh được khi hằng năm người dân vẫn phát cỏ đốt nương trồng xuyên khung, phát luỗng những khoảng nương dưới tán rừng già trồng thảo quả? Trái tim tôi như có ai bóp nghẹt khi thấy những mầm cây thiết sam vừa nhú lên chưa kịp vươn cao trong nương thảo quả đã bị nhát dao phát sắc lẹm hạ gục, nhựa từ thân cây ứa ra vón cục như máu của đại ngàn…
Mới đây, trong cuộc trò chuyện thân tình với một lãnh đạo huyện Bát Xát, tôi nghe anh tâm sự nỗi trăn trở, lo lắng rằng tới đây người ta đang khảo sát xây dựng một số công trình thủy điện trên suối ở xã A Lù, Y Tý. Chưa nói tới khi làm thủy điện có ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên hay không, nhưng hỡi ôi, khi những dòng suối bị chặn lại cạn trơ đá sỏi, thiên nhiên bị can thiệp quá mức, cả một hệ sinh thái sẽ chết theo, thì còn gì hấp dẫn du khách đến ngắm cảnh, trải nghiệm. Những lợi ích trước mắt liệu có xứng đáng để đánh đổi những giá trị bền vững cho tương lai? Rồi câu chuyện ở thôn này, bản kia vẫn có những hộ dân trong cơn sốt đất đã bán hết nhà cửa, giờ lại kéo nhau vào rừng làm lán, làm nhà. Chính quyền và các ngành cứ căng ra quản lý đất đai, bảo vệ từng mét đất rừng…
Sớm cuối thu, tôi ngồi nhâm nhi chén trà nóng với anh Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Là người có 10 năm công tác ở Viện Điều tra Quy hoạch rừng, sau đó 10 năm gắn bó với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, anh Điệp hiểu hơn ai hết về những thăng trầm của rừng ở Lào Cai. Anh bảo, câu chuyện rừng tự nhiên bị tàn phá giờ đây không còn nhức nhối như trước mà thay vào đó nhiều cánh rừng đã được hồi sinh. Nhấp chén trà, anh Điệp nhớ lại, năm 1992, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 21,3%, đến năm 2012 là 51,2% và đến năm 2021 là 56,91%. Dưới bàn tay lao động của con người, những mảng đồi trọc ở Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn… dần được phủ lên màu xanh mỡ màng.
Tin vui là năm nay các địa phương cơ bản đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng, thậm chí khu vực vùng thấp phấn đấu trồng rừng vượt kế hoạch tỉnh giao 30%. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng hàng chục ha rừng quế, mỡ, bồ đề… Nhưng vui hơn là giờ đây nhiều hộ dân tự bỏ tiền ra mua cây giống về trồng rừng sản xuất để giảm nghèo. Năm 2022, Lào Cai có 48.580 ha quế, đem lại nguồn thu 760 tỷ đồng cho người dân. Câu chuyện về những nông dân có vài ha tới hàng chục ha rừng, trở thành triệu phú từ trồng rừng giờ không còn hiếm nữa.
Cuối năm ngày tháng thênh thang, tôi có thời gian rong ruổi trên những cung đường núi non hùng vĩ ở Sa Pa, Bát Xát để ngắm màu xanh của đại ngàn. Lên vùng cao Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, đi qua những khu rừng xanh mát với hàng ngàn, hàng vạn cây quế vươn lên thẳng tắp đón ánh mặt trời, nhìn nụ cười tươi rói của những chàng trai, cô gái đang hối hả thu cành lá quế xếp đầy ô tô chở về xưởng chiết suất tinh dầu mà ấm lòng. Đúng là rừng được hồi sinh sẽ trả ơn người, kho “vàng xanh” ấy mang lại ăm ắp niềm vui, đẩy cái nghèo lùi xa, giúp cuộc sống đồng bào vùng cao thêm đủ đầy, no ấm.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362689-lang-nghe-hoi-tho-dai-ngan