Làng nghề liên kết bước vào 'sân chơi' EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm làng nghề chinh phục thị trường EU. Tuy nhiên, 'sân chơi' mới này cũng đi kèm nhiều thách thức, đòi hỏi các làng nghề cần có những thay đổi cơ bản, chuyên nghiệp. Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trò chuyện với ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng tham gia "sân chơi" EVFTA của các làng nghề hiện nay?
Hiệp định EVFTA được thông qua đã mở ra nhiều cơ hội cho khu vực này. Cụ thể, các sản phẩm làng nghề đều nằm trong diện được miễn thuế, giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Cùng với đó, những đối tác nước ngoài sẽ mang theo ý tưởng thiết kế, quy trình sản xuất của họ để đặt hàng doanh nghiệp (DN) trong nước, tạo cơ hội lớn cho DN làng nghề phát triển dòng sản phẩm phù hợp thị trường xuất khẩu.
Những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hiện nay gồm: Gốm sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, thêu ren… Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mà Hiệp định mang lại cũng tồn tại nhiều thách thức. Đối với mặt hàng gốm sứ, sản phẩm đẹp nhưng cồng kềnh dễ vỡ, nên bán cho khách du lịch khó và việc xuất khẩu chi phí rất lớn, giá trị thu được thấp. Các mặt hàng sản phẩm làng nghề có tính dân tộc cao nhưng không tinh xảo như sản phẩm truyền thống của EU.
Bên cạnh đó, khi mở cửa, sẽ có sản phẩm làng nghề của EU vào Việt Nam với giá cả hợp lý, chất lượng cao, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt. Trong khi hiện nay, đa số làng nghề hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, cách thức quản lý, công nghệ lạc hậu. Để các làng nghề bứt phá cần có chính sách và lộ trình dài hơi.
Vậy, doanh nghiệp cần trang bị những gì để tự tin tham gia "sân chơi" lớn?
Một trong những hạn chế lớn nhất của các làng nghề đó là mẫu mã sản phẩm. Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Do đó, DN, hộ sản xuất tại các làng nghề đặc biệt lưu tâm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.
Các cơ sở sản xuất cần thay đổi nhận thức, tiếp cận thị trường, cải thiện năng lực công nghệ nội tại, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động, tích cực tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu, nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu.
Thời gian tới, Hiệp hội có định hướng như thế nào nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề?
Những DN lớn hiện đã chủ động thích ứng, do quen với việc xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, DN nhỏ thì vẫn lúng túng, bản thân các hội, làng nghề cũng đang loay hoay. Do đó, cơ quan nhà nước như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn cụ thể, có văn bản chỉ đạo sát hơn, làm thế nào để sản phẩm khi xuất khẩu không bị ảnh hưởng, cũng như tuân thủ thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp hội, làng nghề, tổ chức hội, cơ sở làng nghề phải liên kết lại, tăng khả năng liên kết chuỗi mới đáp ứng được những đơn hàng lớn, và lấn sâu vào những thị trường khó tính.
Hiệp hội cũng đang nghiên cứu để giúp làng nghề đưa ra những sản phẩm chiến lược, kết nối thương mại tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đã đến lúc các làng nghề nên nhận thức rõ tầm quan trọng của hội nhập, nâng cao khả năng tự thân vận động, nếu chúng ta muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-nghe-lien-ket-buoc-vao-san-choi-evfta-151779.html