'Lắng nghe người dân hiến kế' lần 6: Để kinh tế số trở thành động lực phát triển
Nên chú trọng đầu tư sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chi tiết liên quan công nghệ số, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường tiềm năng này
Vị trí kinh tế số (KTS) trong nền kinh tế đang ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững. Hòa cùng xu thế đó, TP HCM xác định KTS sẽ là một trong những động lực cho sự phát triển bền vững.
Tất yếu và kỳ vọng
Quyết định 6179/QĐ-UBND ngày 23-11-2017 của UBND TP HCM về phê duyệt Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" xác định một trong những mục tiêu tổng quát trong xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh là "bảo đảm tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, KTS".
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi số với tầm nhìn đến năm 2030: "TP HCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số".
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định chỉ tiêu phấn đấu đưa KTS chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; đồng thời đưa ra "Chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP HCM" bao gồm 13 đề án, chương trình thành phần. Cùng với việc xác định tầm nhìn, mục tiêu, Đảng bộ, chính quyền thành phố cũng xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy, phát triển KTS.
Đặc biệt, với việc đặt ra các mục tiêu phát triển KTS cao hơn cả nước, cho thấy TP HCM kỳ vọng KTS sẽ giúp tăng năng suất lao động, tạo cơ hội kinh doanh mới cho DN, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.
Thành phố kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành
Để tạo nền tảng vật chất hiệu quả cho quá trình phát triển KTS, TP HCM nên chú trọng đầu tư sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chi tiết liên quan công nghệ số, nhất là khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia thị trường tiềm năng này. Điều này đáp ứng nhu cầu, hình thành chuỗi sản xuất công nghệ số tại thành phố; góp phần lan tỏa, đáp ứng nhu cầu sản phẩm, chi tiết công nghệ số của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và thế giới.
Cụ thể, TP HCM nên chú trọng cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Chẳng hạn, phải bảo đảm hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ; cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, công nghệ hỗ trợ nhanh nhất. Nghiên cứu thêm các chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ. Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực DN và quảng cáo sản phẩm.
Hỗ trợ DN nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Đặc biệt, bám sát triển khai các quy định được nêu tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa".
Song song với những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía thành phố, các DN cũng cần nâng cao tiềm lực tài chính thông qua những nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ nhà nước để nghiên cứu, đầu tư các công nghệ thích hợp phục vụ quá trình sản xuất - kinh doanh. Tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ với DN cùng ngành, các tổ chức tín dụng để có thêm thông tin kinh doanh, mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.
Các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với DN có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu...
Ngoài những giải pháp trên, TP HCM nên khai thác hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để xây dựng các vườn ươm công nghệ số, trung tâm đổi mới sáng tạo; trong đó, tập trung vào các công nghệ "lõi", nhất là công nghệ số theo hướng lấy DN làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập. Tăng mức đầu tư của nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới. Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học - công nghệ, khuyến khích, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ…
Phát huy tính tiên phong của DN công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số; từ đó, quảng bá thương hiệu khắp quốc gia, khu vực và mở rộng ra thị trường thế giới.