LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Phát triển Cần Giờ thành điểm đến quốc tế
Biển Cần Giờ mang hình thái dạng vịnh, có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng
Nằm cách trung tâm TP khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú. Bên cạnh đó, lễ hội truyền thống của ngư dân Cần Giờ là di sản phi vật thể quốc gia; các làng nghề truyền thống của người dân như nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến… cũng là những điểm dừng chân lý thú cho khách du lịch.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Nắm trong tay nhiều lợi thế lớn, được định hướng phát triển du lịch sinh thái ngay từ ban đầu, tuy nhiên đến nay Cần Giờ vẫn là một địa danh xa lạ với nhiều du khách trong và ngoài nước. Dù cách trung tâm TP HCM không quá xa nhưng việc di chuyển đến Cần Giờ vẫn còn khó khăn cả đường bộ và đường sông. Nơi đây chỉ mới khai thác du lịch sinh thái, sông nước, chưa có điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng cao… Phong cảnh rừng ngập mặn và sông nước chỗ nào cũng giống nhau, đi thuyền vài giờ xem là đủ. Không ít người từng khá hứng thú với các tour trồng rừng bảo vệ môi trường nhưng hầu hết cũng đi một lần cho biết rồi thôi.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, trong 2 năm qua, khách đến Cần Giờ chiếm khoảng 25%- 30% tổng lượng khách tới TP, doanh thu chiếm chưa tới 1%. Mỗi khách đến đây chỉ chi tiêu khoảng 500.000-700.000 đồng.
Điểm đến du lịch, nghiên cứu quốc tế
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.
Theo một khảo sát gần đây ghi nhận rừng ngập mặn Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao với 155 chi, thuộc 60 họ; trong đó các họ có nhiều loài nhất gồm: họ cúc 8 loài, họ thầu dầu 9 loài, họ đước 13 loài, họ cói 20 loài, họ hòa thảo 20 loài, họ đậu 29 loài.
Về động vật, khu hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ...
Bên cạnh đó, biển Cần Giờ mang hình thái dạng vịnh, có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Với những lợi thế đó có thể tổ chức du lịch biển chất lượng cao nếu khắc phục được vùng nước nông lẫn phù sa ven bờ.
Phát triển Cần Giờ theo định hướng điểm đến du lịch sinh thái và nghiên cứu là hoàn toàn phù hợp xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để du lịch Cần Giờ thực sự phát triển theo hướng đó, cần phải khai thác trên cơ sở bền vững, xây dựng cộng đồng du lịch tại chỗ, người dân địa phương cùng chung tay làm du lịch và bảo vệ môi trường.
Xây dựng đô thị biển, đầu mối logistics
Trên thế giới có không ít dự án lấn biển đã trở thành biểu tượng du lịch, biểu tượng quốc gia, Cần Giờ hoàn toàn có thể phát triển theo hướng này.
Đưa Cần Giờ tiến ra biển là một hướng tất yếu trong tương lai. Bởi đây là cách phát triển nhằm hạn chế được sự phá hủy môi trường sinh thái rừng ngập mặn. Giải pháp lấn biển là việc cần làm để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là chạy theo các mục tiêu kinh tế mà xem nhẹ vấn đề tác động của môi trường.
Hơn thế nữa, Cần Giờ có vị trí địa lý của khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông - vịnh biển mang tính chất mặt tiền của lưu vực sông Đồng Nai rộng lớn, lại là trạm trung chuyển giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ - Đồng Nai và Tây Nam Bộ - Đông Nam Bộ. Đặc biệt, đây còn là khu vực nằm trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc tiến ra biển sẽ giúp Cần Giờ trở thành một trạm trung chuyển lớn trong tuyến đường quan trọng của thế giới - điều mà rất nhiều nước mong muốn.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành: