LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Quy hoạch đô thị trí tuệ nhân tạo
Cấu trúc 1 nền tảng và 4 trụ cột nhằm nâng tầm quy hoạch trong thời đại số, nhanh chóng đưa Cần Giờ trở thành đô thị trí tuệ nhân tạo, khai thác chính nguồn lực tự nhiên sẵn có
Trong kỷ nguyên số hiện nay, cái nhìn về quy hoạch đô thị (QHĐT) đã khác khi nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới ứng dụng tích hợp những công nghệ mới nổi và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong QHĐT hiện đại. Một khi phải thực hiện chuyển đổi số tất cả các ngành và lĩnh vực thì nhận thức công nghệ và AI là động cơ cốt lõi để nâng tầm QHĐT ngang tầm với các nước tiên tiến.
Giải pháp tối ưu cho QHĐT nói chung và Cần Giờ nói riêng chính là dựa trên 1 nền tảng và 4 trụ cột cốt lõi.
Trụ cột 1: Tối ưu hóa quy hoạch sử dụng đất
Hai lĩnh vực QHĐT và AI bùng nổ gần đây đang có sự "thụ phấn chéo" và ngày càng có nhiều sự quan tâm đến cả 2 lĩnh vực để hưởng lợi từ những tiến bộ của lĩnh vực kia.
Hệ thống AI đô thị có thể giúp tối ưu hóa quá trình quy hoạch, lập kế hoạch tổng thể, ra quyết định chính xác và nhanh gấp hàng trăm lần khi biến Cần Giờ thành "đô thị trí tuệ nhân tạo" điển hình, bằng cách tận dụng chuyển đổi số, thu thập dữ liệu động, tĩnh có hệ thống, các công nghệ mới nổi và AI. Nó có thể cung cấp những hiểu biết và dự đoán có giá trị để hỗ trợ phát triển đô thị bền vững; đáp ứng nhu cầu QHĐT chiến lược sinh thái, phát triển bền vững; đồng thời hội tụ những tinh hoa từ một số ngành kiến trúc, kinh tế, logistics, xã hội, y tế, tài chính...
Cấu hình sử dụng đất tự động qua AI để tối ưu và hợp lý hóa quy hoạch sử dụng đất tại Cần Giờ, phát triển các thuật toán và mô hình có thể tự động tạo ra các kế hoạch sử dụng đất dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như mật độ dân số, cơ sở hạ tầng, kết nối giữa các vùng, mục tiêu lõi, chiến lược phát triển, môi trường và quy định phân vùng. Khi tận dụng AI, các nhà QHĐT có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn rất nhiều về cách phân bổ tài nguyên đất đai, thiết kế không gian đô thị và tiểu vùng bền vững, hiệu quả.
Trụ cột 2: Giao thông AI và các trung tâm kết nối
Hệ thống quản lý giao thông được hỗ trợ bởi AI có thể nâng cao hiệu quả và khả năng kết nối giao thông ở Cần Giờ. Các hệ thống này có thể kết nối phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa luồng giao thông và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông tổng thể.
Hệ thống giao thông AI tạo ra một mô hình nhân tạo hoặc ảo của hệ thống giao thông vật lý của Cần Giờ, chạy và tương tác song song với hệ thống thực tế. Hệ thống vận chuyển vật lý hoạt động giống với hệ thống nhân tạo bằng cách tiến hành các thí nghiệm tính toán, có thể dự báo những thay đổi trên dữ liệu về khả năng đi lại và vận tải hàng hóa, đánh giá các kế hoạch kiểm soát giao thông. Điều này cải thiện việc quản lý giao thông hiện tại, mở rộng cơ hội xây dựng giao thông Cần Giờ thông minh, hiện đại.
Trụ cột 3: Quy hoạch có thể tích hợp đa ngành
Quy hoạch có thể tích hợp là một cách tiếp cận mới đối với QHĐT, tích hợp nhiều lĩnh vực, các bên liên quan để tạo ra các thành phố bền vững và kiên cường hơn. Nó liên quan đến việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để chia nhỏ, modul hóa, lắp ghép, tháo rời hệ thống, ngành, lĩnh vực, không gian địa lý, dữ liệu... tạo điều kiện linh hoạt trong quy hoạch hợp tác và liên lạc giữa các ngành, lĩnh vực, các chủ thể khác nhau, chẳng hạn như tiểu vùng, chính sách, nhà phát triển và công dân.
Bằng cách tích hợp nhiều lĩnh vực và các bên liên quan cũng như tận dụng công nghệ kỹ thuật số, quản trị và hoạt động của Cần Giờ có thể trở nên hiệu quả, đáng sống và công bằng hơn. Cách tiếp cận này bảo đảm các khía cạnh khác nhau (nhà ở, giao thông, phát triển kinh tế, an sinh xã hội...) được xem xét cùng nhau để đạt được sự phát triển đô thị toàn diện.
Trụ cột 4: Quy hoạch "đa đô thị 15’ Plus"
Khái niệm "đa đô thị 15’ Plus" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch vượt ra ngoài từng đô thị riêng lẻ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các khu đô thị lân cận nhằm giải quyết những thách thức chung và sự tăng trưởng bền vững của Cần Giờ, nhất là trong ứng phó với thời tiết cực đoan, đứt gãy chuỗi cung ứng... Đóng vai trò quan trọng trong an sinh vùng, hoàn thiện mạng lưới logistics cả nước, vùng và quốc tế. Để xây dựng một "đa đô thị 15’ Plus", Cần Giờ cần thực hiện một số bước sau:
Xác định tầm nhìn, mục tiêu và giá trị từng tiểu vùng, toàn vùng của Cần Giờ, quan hệ không thể tách rời với các quận, huyện TP HCM, các tỉnh và quốc tế; các ngành lõi gắn với bảo tồn và phát triển, khai thác hệ sinh thái Cần Giờ (như du lịch sinh thái, dịch vụ logistics), việc làm và sinh kế cho toàn dân.
Thiết kế theo những cấu trúc modul linh hoạt bao gồm các thành phần có thể hoán đổi cho nhau, có thể được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu thay đổi. Các thành phần này bao gồm các khu dân cư, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tiện nghi và không gian công cộng, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Chọn và lắp ráp các thành phần phù hợp nhất với tầm nhìn và mục tiêu của đô thị Cần Giờ, sử dụng các công nghệ và nền tảng khác nhau cho phép tích hợp, phối hợp và tùy chỉnh.
Nền tảng dữ liệu đa lớp với AI
Chuyển đổi kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu đa ngành và ứng dụng các công nghệ phù hợp để cung cấp cơ sở dữ liệu, giải pháp dữ liệu tích hợp đa ngành tối ưu trong quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý tự động và phân tích lượng lớn dữ liệu được tạo bởi mạng lưới thu thập dữ liệu tĩnh, động thời gian thực, các thiết bị IoT (internet vạn vật), cảm biến và các nguồn khác.
Việc tận dụng khả năng phân tích dữ liệu và AI rất quan trọng, tạo ra các kế hoạch phát triển Cần Giờ hiệu quả, đi sâu vào mục tiêu quản lý tài nguyên, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, dựa trên tích hợp dữ liệu đa ngành và các giải pháp tối ưu cho từng ngành.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/quy-hoach-do-thi-tri-tue-nhan-tao-20231101203027429.htm