Lắng nghe những thanh âm đa chiều từ 'Giọng của phố'
Với 62 bài tạp văn trải rộng theo những con phố cũ Hà thành, Nguyễn Việt Hà sẽ mang đến cho độc giả trải nghiệm thú vị với dư âm thật khó quên.
Nhiều người biết đến nhà văn Nguyễn Việt Hà qua tiểu thuyết Cơ hội của Chúa lấy bối cảnh xã hội Việt Nam từ năm 1989 đến năm 1997, kể về câu chuyện cuộc đời của những người trẻ đã yêu và sống đầy khắc khoải, nhưng cũng yếm thế buông xuôi trong buổi giao thời khi bước vào giai đoạn kinh tế mở cửa.
Theo dòng chảy của thời cuộc, anh đã thử sức ở những lĩnh vực mới và tự ngẫm rằng: “Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại 'tủi thân' nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn".
Và chúng ta đang cầm trên tay cuốn sách mới tinh của Nguyễn Việt Hà. Thể loại tạp văn, với tính chất tung tẩy, tự trào của nó đã khiến “chất giọng” đặc trưng của tác giả có cơ hội phát lộ đầy sáng tạo mà không bị gò ép bởi khung khổ thể loại. Thương hiệu Nguyễn Việt Hà đã được khẳng định qua những tập tạp văn tên tuổi: Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu, Con giai phố cổ.
Giờ đây là Giọng của phố: “Tất nhiên, giọng phố của Hà Nội, ngoại trừ thấp thoáng những dung tục thị dân thì âm điệu chủ yếu vẫn là nhân văn, đằm thắm, mạch lạc, tinh tế… Hoặc mỏng manh như lời tỏ tình của một cặp đôi đang yêu, ngọt ngào hôn nhau ở góc phố vắng. Hoặc buồn bã xúc động như tiếng sấu rụng đêm hè…”. Những thanh âm quen thuộc của bạn - của tôi bỗng chốc ùa về trên từng con chữ. “Giọng của phố còn thì Hà Nội còn”.
Ăn gì ở phố sẽ mách nhỏ độc giả nên nghe theo mấy “cao bồi già” mặn mồm với bát phở Hòa Hàng Đồng có tuyệt chiêu giấu nước mắm vào sâu trong nước dùng hay phở Vui Hàng Giầy thêm tý ngẩu pín, thèm sợi bánh thái to thời bao cấp thì “lạc trôi” sang phở Cường Hàng Muối… Để rồi phải bật lên câu cảm thán: “Phố cổ là phố cổ ơi, chỉ loay hoay có vài trăm mét mà ê hề của ngon vật lạ”.
Bói dạo vỉa hè lại là một lát cắt mới về chốn đô thị bởi bản chất của thị dân là luôn tò mò muốn biết trước tương lai dù điều đó chẳng có mấy ý nghĩa khi mình vẫn vô minh, loay hoay trong “tham, sân, si”.
Nhâm nhi từng câu chữ trong Ký ức vỉa phố để ngược dòng thời gian tìm lại những khung trời bụi phủ: “Được văn hóa vỉa hè nửa chính nửa tà nuôi dưỡng, bọn nhóc lớn dần lên, hình thành một tính cách độc đáo của phố cổ. Đa phần đều ham chơi, cho đến lúc về già vẫn là “dân chơi”. Chúng nó đọc sách theo kiểu chúng nó, nên rất ít đứa thành đạt bằng cấp… Có một điều lạ, tất cả bọn chúng đều thông minh tài hoa. Đã là con giai thì cường ký kiêu bạc. Đã là con gái thì đảm đang sang chảnh, vừa biết cầu kỳ cắm hoa vừa biết hoạt bát nói tục”.
Tác giả có đôi chút ngậm ngùi khi bình luận vỉa hè Hà Nội hôm nay sao khác xưa nhiều quá, nhốn nháo dung tục hơn, ‘quyết liệt thị trường hơn’ với ngập tràn hàng quán. Đau đáu nỗi niềm gửi gắm qua từng câu chuyện là việc phải gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể của đô thị. Vỉa hè Hà Nội là vậy. Bởi nó là tiếng vang vọng thầm thì của không biết bao nhiêu thế hệ những đứa con của phố.
Lãng mạn, tài hoa, thậm chí có đôi chút hoang đường nhưng ngòi bút của nhà văn không bỏ quên hơi thở của cuộc sống khi bàn luận về Độc dược tin đồn thời dịch bệnh. Anh viết: “Và những người nguy hiểm nhất là những người mang vẻ dư dật hiểu biết có học. Bởi đơn giản họ luôn muốn tỏ ra mình không nhạt, là mặn mòi, là uyên bác. Họ ‘chém gió’ phần phật theo nguyên tắc của tiểu thuyết dã sử hai xu ‘ba thực bảy hư’. Đám liều lĩnh chế fake news còn khoan khoái thêm mắm thêm muối tới mức ti tiện, bất chấp mình đã và đang hủy hoại lòng tin vốn dĩ mong manh ờ những người trong trắng thiện lương”.
Cứ vậy, người đọc như bị dẫn dụ lang thang cùng Nguyễn Việt Hà qua từng con phố, lắng nghe anh kể chuyện, cười khúc khích bởi cách nhận xét tếu táo nhưng ăm ắp hiện thực, cảm nhận cả tiếng thở dài của những đêm không ngủ nằm nghe từng góc phố cựa mình… "Và một thành phố đã tự biết nhớ thì không bao giờ có thể mất".