Làng nghề nước mắm Nam Ô đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 4/7, tại TP. Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu đã tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm Nam Ô và công bố đề án 'Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô'.
Nghề làm nước mắm Nam Ô tại phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại quyết định 2974/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký ngày 27/8/2019.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Huy – Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết nước mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, không chỉ thuần giá trị vật chất, mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng quê, thể hiện bản sắc cộng đồng của địa phương; không chỉ là gia vị, mà còn là một phần của văn hóa, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương. Nghề làm nước mắm Nam Ô đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc có nguy cơ mai một. “Vì vậy, bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là sự ghi nhận, kết quả xứng đáng với sự nỗ lực không ngừng của người dân làng nghề nước mắm Nam Ô trong việc giữ gìn nghề truyền thống và là động lực lớn để tiếp tục phát huy giá trị làng nghề, đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô đi xa hơn nữa”, ông Huy nói và cho biết thêm nước mắm Nam Ô hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị, chợ lớn, tham gia các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác, được người tiêu dùng đón nhận.
Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 tham gia vào “hội làng nghề truyền thống”, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp. Nghề làm nước mắm đang tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Thương hiệu nước mắm Nam Ô đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp logo thành thương hiệu tập thể.
Ông Bùi Thanh Phú – Giám đốc Công ty TNHH mắm Hồng Hương cho biết cơ sở ông và các hộ của làng nghề rất vui mừng và phấn khởi khi nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô được đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Đây là động lực để bà con làng nghề mạnh dạn đầu tư, chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nước mắm để bảo tồn và phát huy giá trị, thương hiệu nước mắm Nam Ô”, ông Phú nói.
Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô chia sẻ trải qua nhiều thế hệ, người Nam Ô hiện nay vẫn giữ được bí quyết để làm nước mắm truyền thống. “Chúng tôi tự hào khi nghề làm nước mắm được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với trách nhiệm to lớn để giữ gìn và phát huy nghề làm nước mắm, bà con làng nghề sẽ cố gắng nỗ lực hết mình trong việc truyền nghề, dạy nghề để bảo vệ, phát huy di sản, để di sản luôn là báu vật của người làng Nam Ô hôm nay, là tài sản thừa kế của con cháu chúng tôi mai sau”, ông Vinh nói và đề xuất chính quyền thành phố sẽ quan tâm tạo nguồn vốn để các hộ làm nước mắm phát triển bền vững nghề này.
Cũng tại buổi lễ, UBND quận Liên Chiểu đã công bố đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” với tổng kinh phí đầu tư hơn hơn 46 tỷ đồng. Đề án nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, các tập quán, sản phẩm làng chài, và nghề mắm cổ truyền Nam Ô, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch.
Được biết, tháng 3/2020, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề án và kế hoạch thực hiện đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP. Đà Nẵng” với kinh phí gần 5 tỷ đồng với mục tiêu đưa nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố.