Làng nghề sơn mài Hạ Thái trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực trẻ

Việc phát triển làng nghề, thu hút lao động vô cùng khó khăn do nhiều người chuyển nghề trước tình trạng các công ty, doanh nghiệp không đảm bảo được thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sản phẩm Hạ Thái phong phú đa dạng về hình thức, mẫu mã. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sản phẩm Hạ Thái phong phú đa dạng về hình thức, mẫu mã. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghề sơn mài ở làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã có lịch sử trên 200 năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nghề truyền thống này lại đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Làng nghề hàng trăm năm tuổi

Sơn mài Hạ Thái đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Hiện nay, khoảng 70% các hộ gia đình sản xuất nghề sơn mài được quy hoạch, xây dựng thành điểm công nghiệp với quy mô lớn để đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường cũng như quảng bá và phát triển làng nghề.

Để tạo nên một sản phẩm tinh xảo, phong phú với hình thức đẹp mắt, sơn mài Hạ Thái phải trải qua rất nhiều công đoạn. Các công đoạn có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu bất kỳ công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không đảm bảo độ bền cũng như tính mỹ thuật.

Chị Thúy, một người thợ ở Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy, cho biết để hoàn thành một sản phẩm sơn mài phải mất gần hai tháng, trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải vô cùng kiên nhẫn và tỉ mỉ.

Bà Nguyễn Thị Hồi giới thiệu các sản phẩm sơn mài nổi tiếng ở Hạ Thái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Hồi giới thiệu các sản phẩm sơn mài nổi tiếng ở Hạ Thái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm đặc biệt, làng Hạ Thái có cách vẽ rất độc đáo, tạo nên màu sắc riêng, đó là dùng vỏ trứng, dán bạc trên từng sản phẩm.... Các công đoạn đều rất cầu kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm tạo ra là sự kết hợp của nguồn nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại, đồng thời vẫn giữ được nét tinh túy, riêng biệt của nghề sơn mài truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, cho biết các sản phẩm sơn mài Hạ Thái chủ yếu xuất khẩu nội địa, chiếm 80% tổng thu nhập của làng nghề. Trong đợt dịch COVID-19, nghề thủ công ở Hạ Thái bị ảnh hưởng rất nhiều, không đủ việc làm cho các lao động, thậm chí có công ty phải đóng cửa.

Nỗi lo thiếu nguồn nhân lực trẻ

Đứng trước những đổi thay của làng quê trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa nhanh, làng sơn mài Hạ Thái đang có những nỗi lo riêng.

Trước đây, làng Hạ Thái có khoảng 80% hộ dân làm sơn mài. Nghề sơn mài được xem là nghề chính và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ dân nơi đây. Hiện nay, do một số hộ đi phát triển nghề mới và ruộng nương bị chuyển đổi, người làm nghề giảm mạnh.

Các sản phẩm sơn mài ở Hạ Thái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các sản phẩm sơn mài ở Hạ Thái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Hiện nay, nhân lực trẻ đang thoát ly dần với nghề truyền thống. Việc phát triển nghề, thu hút lao động vô cùng khó khăn do nhiều người chuyển nghề trước tình trạng các công ty, doanh nghiệp không đảm bảo được thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19," bà Hồi chia sẻ thêm.

Hiện nay, để thu hút các thanh niên trẻ bám làng, tiếp tục phát triển nghề, làng nghề sơn mài Hạ Thái đang có các kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, hun đúc tình yêu nghề cho lớp trẻ để có thể giữ vững nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lang-nghe-son-mai-ha-thai-truoc-noi-lo-thieu-nguon-nhan-luc-tre/700740.vnp