Lặng nghe tiếng dệt
Lắng đọng lại giữa tiếng xe cộ ồn ào của phố xá, tiếng người vội vã, âm thanh xình xịch phát ra từ những chiếc máy dệt vải truyền thống vẫn vang vọng đều đặn.
Làng dệt Bảy Hiền tiếng tăm ngày nào giờ chỉ còn vài hộ theo nghề, những thước vải làm ra hôm nay phải chật vật tìm chỗ đứng, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Làng dệt thở dài
“Chỗ này là làng dệt Bảy Hiền phải không chú?”. “Ngày xưa thôi cô ơi, bây giờ còn không đầy một bàn tay” (ý nói còn không đầy 5 gia đình theo nghề dệt).
Ông Võ Văn Trung (53 tuổi, ngụ đường Võ Thành Trang, quận Tân Bình) vừa dứt lời, loay hoay dọn dẹp bàn ghế trong tiệm, bà Nguyễn Thị Dung, vợ chú Trung, nói tiếp: “Nhà tui đây, ngày xưa cũng dệt nhưng bỏ nghề gần hai chục năm nay rồi. Giờ tui với ổng mở tiệm mì quảng, nước mía, cũng đủ tiền chợ búa mỗi ngày”.
Nói về làng dệt năm xưa, chú Trung kể: “Cả gia đình tôi sống nhờ nghề này, từ đời ông nội tới ba tôi cũng vậy. Đến tôi làm được cũng gần hai chục năm, sau này vải làm ra bán buôn ế ẩm, lỗ nhiều hơn lời, vải giá rẻ trên thị trường nhiều, mẫu mã đa dạng, không cạnh tranh lại nên đành tìm công việc khác”.
Các con đường như Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, Tái Thiết, Năm Châu thuộc phường 11, 12, quận Tân Bình, đã từng một thời ghi dấu ấn về làng dệt Bảy Hiền của người xứ Quảng trên đất Sài Gòn, thì hôm nay lại chứng kiến nhiều gia đình hai ba thế hệ theo nghề dệt, nay không trụ nổi, phải chuyển sang công việc khác.
Những năm 80 - 90 thế kỷ trước, làng dệt Bảy Hiền hưng thịnh đến độ chỉ tính riêng phường 11 (quận Tân Bình) có tới 1.700 hộ theo nghề, lượng vải làm ra cung cấp thị trường khắp cả nước. Câu chuyện dệt vải hôm nay còn lại như một tiếng thở dài nặng trĩu…
Bà Nguyễn Thị Lài (75 tuổi, ngụ đường Tái Thiết, quận Tân Bình) kể: “Gia đình tôi bỏ nghề dệt cũng gần 25 năm nay, máy móc bán hết. Hai đứa con trai bây giờ đều mở tiệm buôn bán. Nhà tôi tới 4 đời theo nghề dệt, nhưng bây giờ không giữ được. Mình cạnh tranh không lại, lỗ lã hoài thì sao giữ nghề nổi”.
Theo lời ông Trần Văn Hoài (58 tuổi, ngụ đường Tái Thiết), sau này vải giá rẻ trên thị trường nhiều quá, nhất là hàng Trung Quốc, nhiều gia đình bỏ nghề, dỡ bỏ hết máy dệt, gỗ chất thành đống. “Nhìn mà xót lắm!”, ông Hoài ngậm ngùi. “Ở đây, chủ yếu làm theo gia đình, mang tính nhỏ lẻ, nên không đủ sức để đánh bật hàng ngoại. Nhà nào có điều kiệu mới đầu tư thêm máy móc đời mới, còn không vẫn kiểu máy cũ, vận hành tốn nhân công và tốn sức”, ông Trung cho biết thêm.
Những thước vải nhọc nhằn
Theo lời kể nhiều người dân sinh sống lâu năm ở khu vực Bảy Hiền, từ khoảng năm 1993, nghề dệt chững lại. Từ năm 2001, các gia đình có điều kiện bắt đầu chuyển đổi từ máy dệt khung gỗ sang máy nước, máy kim, nhiều người hy vọng ngành dệt Bảy Hiền có thể sống lại, bấm bụng bỏ ra số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để đầu tư máy móc.
Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng ồ ạt, khiến vải tồn đọng ngày càng nhiều, tiền gia công giảm từ 5.000 đồng/mét xuống còn 800 đồng/mét, có lúc không đầy 800 đồng. Tiền vải bán ra không đủ bù tiền mua máy, cũng không gánh nổi tiền thợ, nhiều cơ sở dệt cho công nhân nghỉ dần, chủ yếu người trong gia đình làm, nhưng tình hình cũng không khá hơn.
“Thua lỗ kéo dài, cả làng dệt nổi tiếng một thời chỉ còn lại vài nhà theo nghề, mà giờ cũng chỉ làm cầm chừng thôi”, chị Thu Cúc (48 tuổi, chủ một cơ sở dệt trên đường Nguyễn Bá Tòng) chia sẻ.
Len lỏi vào đường Nguyễn Bá Tòng, Võ Thành Trang, Tái Thiết… nghe tiếng máy dệt xình xịch bên trong vọng ra đều đặn, phía bên ngoài cửa vẫn đóng im lìm, biết ngay đó là gia đình còn theo nghề dệt. Thỉnh thoảng người ta mở cửa, để khách tới lấy hàng, vải được chở đi bằng những xe bán tải nhỏ, hoặc số lượng ít thì dùng xe máy.
“Mình phải đóng cửa, vì đây là khu dân cư, sợ tiếng máy dệt ồn gây ảnh hưởng xung quanh. Nhà nào còn theo nghề cũng có một lượng khách hàng riêng nhất định, chủ yếu làm xong thì gọi người ta tới lấy thôi”, chị Cúc cho biết thêm.
Anh Trương Mậu Đông (43 tuổi, ở đường Nguyễn Bá Tòng) cho biết, anh là người duy nhất của thế hệ thứ hai ở làng dệt Bảy Hiền còn theo nghề. “Mấy anh chị em trong nhà kiếm công chuyện khác mần rồi, vì làm thì cực mà bán ra không có lời được bao nhiêu. Còn mình tôi theo nghề và một bà chị phụ việc sổ sách, nên không tính chuyện đầu tư thêm máy móc mới làm gì”, anh Đông kể.
Chị Trương Thị Hồng (50 tuổi, chị ruột anh Đông) nói: “Ông già tôi năm nay cũng 86 tuổi rồi, cả nhà theo nghề dệt này cũng phải hơn 60 năm trời. Hồi trước thịnh lắm, hàng đi đều đều, từ vải cao cấp có tiếng, bây giờ nhiều khi phải chịu làm hàng lót. Thị trường cạnh tranh dữ lắm”.
Gia đình anh Đông cũng chỉ làm cầm chừng và hơn hết là muốn giữ nguyên cách dệt truyền thống. “Nghề này là cha truyền con nối, nhà tôi chỉ sản xuất vải phi bóng, máy móc mới không dệt ra được chất vải như vầy đâu. Máy này thủ công, nó chạy khá nặng, một máy chạy từ sáng tới chiều cũng chỉ được 35m vải. Làm thủ công nên vải thành phẩm không bị nhiễm hóa chất, bóng sáng và rất mượt”, anh Đông cho biết.
Mỗi mét vải phi bóng từ gia đình anh Đông sản xuất có giá khoảng 1.500 đồng, cả 4 máy cùng vận hành thì số tiền kiếm được mỗi ngày cũng chỉ hơn 200.000 đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất thế của một làng nghề truyền thống và làng dệt Bảy Hiền cũng không nằm ngoài điều đó. Tiếng máy dệt xình xịch đã bị lấn át, chìm sâu giữa tiếng xe cộ hối hả, những thước vải danh tiếng ngày nào phải chịu làm hàng lót. Có lẽ tiếng máy dệt hôm nay ở Bảy Hiền còn là tiếng lòng người thợ dệt.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lang-nghe-tieng-det-602072.html