Lắng nghe tiếng nói từ nhân dân

'Thành phố tăng cường tình nguyện viên xuống khu phố, ấp, địa bàn dân cư để hướng dẫn người lớn tuổi tiếp cận được công nghệ thông tin; để chuyển đổi số (CĐS) thành công, người đứng đầu phải quyết liệt, lắng nghe ý kiến của nhân dân; cần thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công nghệ thông tin…'. Đây là những ý kiến, hiến kế của người d ân để công tác cải cách hành chính (CCHC), CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn TP.Thuận An hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lấy CĐS trong giáo dục làm bàn đạp

Để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết kiến nghị, những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, TP.Thuận An đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Thành ủy, UBND thành phố với nhân dân về công tác CCHC, CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố. Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết buổi đối thoại là dịp để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và MTTQ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của nhân dân, tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân. Thông qua đó, những vấn đề còn vướng mắc, phát sinh được giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách, quy định chưa phù hợp, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Qua đối thoại cũng để nhân dân hiến kế phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Thầy giáo Nguyễn Văn Long ở phường Lái Thiêu, hiến kế: “Lấy CĐS trong giáo dục làm bàn đạp…”

Phát biểu mang tính hiến kế cho công tác CĐS trên địa bàn TP.Thuận An, thầy giáo Nguyễn Văn Long ở phường Lái Thiêu, chia sẻ: “Chúng ta nên bắt đầu công cuộc CĐS từ ngành giáo dục. Mỗi trường, mỗi địa phương phải lấy phong trào giáo dục, lấy “dạy tốt, học tốt”, đổi mới tư duy, cách dạy để làm đột phá cho CCHC. Việc đẩy mạnh CĐS trong giáo dục sẽ tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình CĐS toàn diện trong giai đoạn tiếp theo”.

“Bình dân học vụ” thời 4.0

Gửi ý kiến tâm huyết đến lãnh đạo TP.Thuận An, ông Nguyễn Đức Thanh, người dân khu phố Trung, phường Vĩnh Phú, phân tích trong thời đại CĐS ngày nay, có một bộ phận người dân vẫn chưa am hiểu công nghệ thông tin. Đối tượng này đa phần là người lớn tuổi. Họ đang bị bỏ lại phía sau, tụt hậu trong thời công nghệ số. Vì vậy, để thúc đẩy CĐS, việc làm cấp bách hiện nay là thành phố phải tăng cường tình nguyện viên xuống khu phố, ấp, địa bàn dân cư để hướng dẫn người lớn tuổi tiếp cận được công nghệ thông tin. “Chúng ta phải vận dụng bài học từ tư tưởng của Bác Hồ về “bình dân học vụ” trước đây để phổ cập CĐS cho một bộ phận người dân hiện nay. Chúng ta phải xác định, người dân là chủ thể của CĐS. CĐS chính là việc “của dân”, có như vậy công cuộc CĐS mới thành công và đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Thanh kiến nghị.

Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, đã ghi nhận và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân để công tác CCHC, CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố thời gian tới được tốt hơn. Bà Phương cũng cho biết, định hướng thời gian tới, TP.Thuận An tiếp tục đẩy mạnh CCHC; chú trọng công tác tuyên truyền về CCHC; nâng cao hiệu quả, chất lượng đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Lãnh đạo địa phương mong muốn người dân chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành của công tác CCHC, CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố để từ đó nhân dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân…

Thời gian qua, công tác CCHC, CĐS được Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt. Trong 9 tháng năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đã tiếp nhận trong kỳ là 10.551 hồ sơ, trong đó có 2.977 hồ sơ trực tuyến, 7.574 hồ sơ trực tiếp, tồn kỳ trước là 305 hồ sơ. Kết quả, trung tâm đã giải quyết 10.816 hồ sơ; trong đó, giải quyết sớm hẹn là 8.906 hồ sơ (đạt 82.34%), đúng hẹn 1.638 hồ sơ (đạt 15,14%). UBND các xã, phường đã tiếp nhận tổng số 82.361 hồ sơ; trong đó, giải quyết sớm hẹn 14.210 hồ sơ, chiếm 17,25%, đúng hẹn 68.075 hồ sơ, chiếm 82,65%; 53 hồ sơ thực hiện thanh toán trực tuyến…

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/lang-nghe-tieng-noi-tu-nhan-dan-a309689.html