Lắng nghe trẻ, học ở trẻ
Câu chuyện bình thường của cậu học sinh lớp 6 cũng là bài học cho người lớn về sự vô tư trong ứng xử với những hiện tượng không như ý quanh mình.
Em Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Long An, vừa được UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cùng nhiều đơn vị của huyện tuyên dương, khen thưởng trong giờ chào cờ đầu tuần vì hành động đẹp dọn rác chắn miệng cống.
Trước đó, sau cơn mưa chiều 16.6, trên đường đi học về, Đạt thấy cống thoát nước ven đường bị đọng nước nên đã dừng lại dọn dẹp rác quanh miệng cống - giúp nước trên đường thoát đi.
Cứ thế, tới miệng cống tiếp theo, Đạt cũng làm tương tự. Hành động của Đạt trong buổi chiều mưa tháng 6 đã được camera an ninh ghi lại, sau đó được đăng lên mạng xã hội và nhận được nhiều chia sẻ, quan tâm tích cực.
Hành động bình thường của em nhưng trở thành điểm sáng bởi vì hầu hết mỗi người nếu gặp trường hợp như vậy sẽ nhanh chóng đi lướt qua cho khỏi ướt.
Đa số sẽ nghĩ dọn rác nơi miệng cống là việc của đơn vị công ích, môi trường. Một số ít sẽ nghĩ tới việc vứt rác bừa bãi hiện nay vốn là vấn nạn và sẽ than phiền hoặc chỉ trích xả rác. Không ai dừng lại và hành động như cậu học sinh lớp 6 nên đã được dư luận đặc biệt quan tâm, khen ngợi.
Em đã làm nên sự khác biệt và hành động đẹp đó đã nói lên một điều rằng xã hội cần thêm những cách nghĩ khác, mang tính nhân văn, hướng đến cộng đồng.
Việc Đạt nhặt rác khỏi miệng cống có thể để lại thông điệp về việc ngừng vứt rác bừa bãi, nhất là bao nilông, gây ra những vụ nghẹt cống, dẫn tới ngập ở nhiều thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh.
Câu chuyện bình thường của cậu học sinh lớp 6 cũng là bài học cho người lớn về sự vô tư trong ứng xử với những hiện tượng không như ý quanh mình. Thay vì than phiền, chỉ trích, ta có thể xắn tay và xử lý, giúp cải thiện thực tế đó.
Tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em, ngoài những câu chuyện đẹp về chia sẻ, hỗ trợ để trẻ phát triển lành mạnh thì lắng nghe để hiểu trẻ - nhất là từ mỗi gia đình cũng cần được chăm lo.
Đừng coi thường trẻ con, đó là điều mà người lớn cần ghi nhớ vì các em có những suy nghĩ mà đôi khi chúng ta giật mình.
Chắc mọi người vẫn chưa quên gương mặt đoạt giải Nobel hòa bình năm 2014, một thiếu nữ 17 tuổi, Malala Yousafzai (người Pakistan). Cô là người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng này.
Trước đó, Malala Yousafzai từng bị một nhóm phiến quân Taliban bắn vào đầu khiến cô suýt chết. Dù vậy, Malala vẫn tiếp tục cuộc chiến giành quyền cho phụ nữ. Thế giới đã lắng nghe Malala và giải thưởng Nobel hòa bình chính là sự ghi nhận đó.
Năm ngoái, Greta Thunberg (16 tuổi, người Thụy Điển) cũng được đề cử giải Nobel hòa bình bởi hành động đấu tranh ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu, giúp lan rộng tinh thần này ra 105 quốc gia.
Ít ai dám tin cô bé sinh năm 2003 đã kêu gọi phong trào biểu tình trong giới học sinh nhằm chống lại biến đổi khí hậu và được biết đến như người sáng lập Phong trào thanh niên vì khí hậu (The youth strike for climate movement).
Người lớn vẫn thường nói "trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai". Những sự kế thừa và dựng xây thế giới tốt đẹp, vững bền có thể bắt đầu từ chính những người trẻ nghĩ khác và nghĩ lớn.
Do vậy, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con mình sống đẹp và sống vì cộng đồng hơn là cổ xúy con thi thố những chương trình để trở nên nổi tiếng sớm qua phim trường showbiz. Đó cũng chính là góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp trong tương lai.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/lang-nghe-tre-hoc-o-tre-140041