Làng nghề truyền thống: Chuẩn bị các điều kiện hồi phục
Sau khi dịch bệnh Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, các làng nghề cũng đã tranh thủ cơ hội để từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chủ động thay đổi để thích nghi với tình hình mới.
Cách đây vài tháng, các cơ sở sản xuất ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải hoạt động hết công suất mới kịp đáp ứng các đơn hàng xuất đi châu Âu, châu Mỹ. Hiện nay, không khí sản xuất tại đây ảm đạm chưa từng thấy.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề bị đình trệ, thậm chí tạm ngừng. Thời điểm này, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở phạm vi trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từng bước được khôi phục, tuy nhiên vẫn chỉ ở mức cầm chừng vì thị trường đầu ra gặp khó khăn.
Hiện các cơ sở sản xuất hầu hết hoàn thành những đơn hàng có từ trước dịch, đơn hàng mới không nhiều. Theo những người thợ ở làng nghề, dịch bệnh đã tác động đến nhu cầu và thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân, do đó trong thời gian này, lượng đặt hàng thủ công mỹ nghệ là rất nhỏ. Đặc biệt, đối với những làng nghề chuyên xuất khẩu thì tình hình dịch bệnh trên thế giới ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, doanh thu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (làng nghề Phú Vinh) cho biết, do dịch bệnh ở nước ngoài vẫn còn phức tạp, các đối tác nước ngoài chưa thể tập trung thu mua sản phẩm dẫn đến hàng hóa bị tồn đọng. Đến thời điểm hiện nay, Phú Vinh đang phải lưu kho số lượng hàng hóa có giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Với một làng nghề mà 80% sản phẩm sản xuất để phục vụ xuất khẩu thì tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ.
Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì thực hiện các hợp đồng đã ký từ trước đối với các thị trường khả thi. Hiện sản phẩm của Phú Vinh chỉ có thể xuất khẩu nhỏ giọt sang Nhật Bản, Hàn Quốc… Còn lại, các thị trường “ruột” trước kia như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Iran, Nam Phi… gần như đóng băng.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, cái khó của các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề là cần có sản phẩm, dịch vụ mới để cải thiện sinh kế, nhưng muốn đầu tư vào cái mới thì không có vốn bởi tiền nằm ở hàng hóa đang tồn đọng.
Trước tình hình đó, giải pháp của làng nghề Phú Vinh là tăng cường khai thác thị trường nội địa. Mặc dù thị trường trong nước cũng có những hạn chế nhất định do tác động của dịch Covid-19, nhưng đây cũng là hướng đi tối ưu nhất tại thời điểm này. Thay vì các mặt hàng trang trí, lưu niệm được các thị trường châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng, hiện các cơ sở, doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đó là các sản phẩm gia dụng như: giỏ, khay đựng đồ, rổ rá, túi đi chợ… Giải pháp này được các cơ sở làng nghề cho là “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì sản xuất, kinh doanh để chờ khi các thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.
Tương tự, tại làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội, các cơ sở sản xuất đã khởi động lại sản xuất, tuy nhiên chưa thể khôi phục hoàn toàn, lượng sản phẩm sản xuất ra giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, làng nghề không đứng yên trước rào cản mà tìm kiếm những cơ hội mới trong tình hình mới. Nếu như trước đây hàng hóa của Phú Yên phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc với lợi thế về mẫu mã và giá cả thì hiện tại, các sản phẩm của Phú Yên đang nỗ lực trở mình khi dịch bệnh khiến hàng Trung Quốc bị hạn chế, trong khi nhu cầu của thị trường trong nước vẫn có. Theo ông Nguyễn Lương Đức – Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, đối với ngành sản xuất giày dép, thời điểm này là điều kiện tốt để hàng Việt Nam bứt phá chinh phục thị trường.
Ông Nguyễn Lương Đức cho biết, bối cảnh mới sau dịch bệnh đã dẫn đến điều tất yếu là các cơ sở, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất và kinh doanh. Trước kia làng Phú Yên chỉ tập trung làm một số dòng hàng, chủ yếu là giày công sở, bây giờ phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu về tiêu dùng và thẩm mĩ của người tiêu dùng trong nước với các mặt hàng: giày thể thao, giày dép thời trang, giày dép trẻ em… Nếu như trước kia các cơ sở chỉ tập trung bán buôn thì bây giờ hầu hết đều thay đổi tư duy bán hàng, đẩy mạnh tiêu thụ trên kênh trực tuyến để tăng lượng tiếp cận và thuận tiện cho khách hàng. Tỉ lệ bán hàng trực tuyến tăng 50 – 70% so với năm trước.
Đối mặt với tình hình khó khăn chung, các làng nghề truyền thống không trượt dốc mà đang miệt mài sáng tạo, cải tiến sản phẩm, xây dựng hướng phát triển thị trường để sẵn sàng đón bắt cơ hội khi thị trường hồi phục. Chính sức ép của bối cảnh mới có thể sẽ là đòn bẩy cho sự chuyển biến tích cực của các làng nghề.