Làng nghề truyền thống xứ Thanh: Nơi lưu giữ các giá trị văn hóa địa phương
Thanh Hóa hiện có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó có 2 nhóm làng nghề hoạt động hiệu quả gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các làng nghề còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa địa phương.
Từ xa xưa, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu đã gắn liền với người dân và mảnh đất làng Hồng Đô thuộc thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Nhiều sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm từ làng không chỉ được tiêu thụ ở trong nước, mà còn được nhiều nước trên thế giới đón nhận.
Về với Nga Sơn những ngày cuối tháng 5, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các anh, các chị đang miệt mài trên những cánh đồng để thu hoạch cói .
Nhiều sản cói xuất khẩu của Nga Sơn được thị trường quốc tế ưa chuộng
Nghề hương Quán giò, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa có gần 30 hộ thường xuyên duy trì. Người làm hương ở đây trung thành với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống với những nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như: nhựa trám, bột cây bài, bột than đốt từ các loại thảo mộc… Chính vì vậy, hương Quán Giò vẫn giữ được mùi thơm mát, đặc trưng và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng
Làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) có từ hàng trăm năm nay. Sản phẩm mây tre đan Hoằng Thịnh vừa có giá trị sử dụng vừa có tính thẩm mỹ cao.
Nghề sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Tân Thọ (Nông Cống).
Sản phẩm thủ công xuất khẩu từ bèo tây tại xã Nga An (Nga Sơn) được nhiều nước Châu Âu ưa chuộng.
Trước đây xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa có khoảng 70% lao động làm nghề đan cót nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10% gắn bó với nghề. Với mong muốn lưu giữ và khôi phục lại nghề truyền thống cho người dân, một số người dân xã Thiệu Dương đã mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cót ép của địa phương sang Lào, Campuchia và các nước châu Âu.
Nghề đúc đồng làng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) nổi tiếng với nhiều sản phẩm tinh xảo như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, con giống… được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề đúc đồng của làng vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được.
xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) có khoảng hơn 700 hộ sản xuất miến dong. Miến dong ở đây được người tiêu dùng tin tưởng vì làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên là củ dong riềng, không hề có chất bảo quản, chất tẩy trắng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.