Lắng nghe và hành động
Những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, nhưng vượt lên trên hết, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ta đã chung sức, đồng lòng tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Điều nhân dân và cử tri quan tâm hơn cả trong lúc này là những đại biểu được tin tưởng lựa chọn vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương sẽ thực hiện như thế nào những lời hứa khi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Ngày 5-1-1946, trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng...". Những đúc kết ngắn gọn đó của Người vẫn sẽ là tiêu chí vững bền để các đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021-2026 nỗ lực hướng tới.
Có thể nói, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các hoạt động nghị trường từ Trung ương đến địa phương ngày càng mang hơi thở của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri, không chỉ thông qua các kỳ họp mà ngay cả trong những công việc thường ngày, tham gia chất vấn đến cùng những vấn đề tồn tại ở các địa phương cũng như trên cả nước.
Tại Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu, kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết...
Cụ thể hóa điều này, trải qua quy trình “5 bước, 3 vòng hiệp thương”, có thể nói, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều đã đáp ứng các yêu cầu chung. Đó là, đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật…
Rõ ràng, việc trở thành đại biểu Quốc hội, tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Trung ương, hay đại biểu HĐND các cấp ở địa phương là niềm vinh dự to lớn với bất kỳ ứng cử viên nào. Động cơ trở thành đại biểu dân cử với nhiều người là sự trăn trở, lo lắng vì dân; làm sao để mỗi người dân được sống hạnh phúc, an toàn...
Tuy nhiên, để làm tốt vai trò thì những quy định về tiêu chuẩn nhân sự chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn cả là danh dự và trách nhiệm cũng như nỗ lực của mỗi đại biểu trúng cử trong nhiệm kỳ tới.
Có thể nói, với những đại biểu trúng cử trong cuộc bầu cử diễn ra hôm qua (23-5), điều cử tri mong mỏi đầu tiên là phải luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy hạnh phúc, sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu. Sau khi đã lắng nghe ý kiến nhân dân cũng như những đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì đại biểu phải có trách nhiệm xử lý hoặc đề đạt cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và giám sát đến cùng việc giải quyết những kiến nghị đó, đồng thời có trách nhiệm báo cáo trước cử tri và nhân dân. Tóm lại, phải biết lắng nghe cử tri và người dân, hành động vì dân thì mới làm tròn chức trách, phận sự của người đại biểu nhân dân.
Cùng với đó, mỗi đại biểu dù là tái cử hay lần đầu trúng cử cũng cần không ngừng rèn luyện, nâng cao các kỹ năng: Tiếp xúc cử tri, chất vấn, thu thập và xử lý thông tin, giám sát, phân tích thông tin, xây dựng chương trình hoạt động...
Chất lượng đại biểu dân cử quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Thắng lợi của cuộc bầu cử mở đường, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước và các địa phương trong những năm tới.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1000399/lang-nghe-va-hanh-dong