Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để phục vụ tốt hơn
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, tại hội nghị đối thoại giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp vừa qua, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên nhiều vướng mắc, kiến nghị về chính sách, thủ tục hành chính thuế. Đại diện cơ quan thuế cũng như lãnh đạo tỉnh thì trao đổi, tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp.
ĐỒNG CHÍ PHAN ĐÌNH PHÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp phát triển
Cùng với cả nước, thời gian qua, doanh nghiệp Phú Yên đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động, cơ cấu ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú.
Xác định doanh nghiệp là nhân tố không thể thiếu, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh luôn thống nhất quan điểm phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Do đó, lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục liên quan nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
8 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 4.174 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp đóng góp 2.200 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 61% trong tổng thu nội địa. Kết quả này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp cho ngân sách tỉnh.
Ghi nhận điều này, thời gian tới, UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, hấp dẫn, để Phú Yên thật sự là nơi doanh nghiệp đặt niềm tin đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
ÔNG CÔNG VĂN LÃNH, PHÓ CỤC TRƯỞNG PHỤ TRÁCH CỤC THUẾ PHÚ YÊN: Triển khai kế hoạch hỗ trợ phù hợp với thực tế địa phương
Những năm qua, cùng với sự đổi mới của ngành Thuế cả nước, ngành thuế Phú Yên đã có những bước đột phá trong hiện đại hóa công tác quản lý thuế và cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế.
Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nộp thuế; giúp giảm tần suất kê khai, nộp thuế và giảm chi phí cho người nộp thuế. Từ đó góp phần duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù Cục Thuế Phú Yên đã nỗ lực đồng hành, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của các doanh nghiệp. Do đó, thông qua hội nghị đối thoại, ngành Thuế sẽ lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ.
Các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế Phú Yên, đơn vị sẽ chỉ đạo các bộ phận giải quyết ngay. Các vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách vượt quá thẩm quyền giải quyết, chúng tôi sẽ có kiến nghị các cấp có thẩm quyền.
Qua hội nghị này, Cục Thuế cũng sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời phát huy mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng để hai bên ngày càng có sự chia sẻ, hợp tác thân thiện, cùng thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN: Các sở, ngành phải phối hợp nhịp nhàng hơn
Thời gian qua, sự hợp tác giữa Cục Thuế Phú Yên với Hội Doanh nghiệp tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục, qua đó, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Hội nghị đối thoại lần này tiếp tục là diễn đàn tốt để cơ quan thuế và cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi những điều còn vướng trong quá trình kê khai, nộp thuế.
Qua theo dõi phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy những năm gần đây, doanh nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Thuế trong việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giúp doanh nghiệp giảm thời gian kê khai, nộp thuế. Ngoài ra, hiện nay, thái độ của cán bộ thuế rất cởi mở, chân thành, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì đâu đó, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành khác trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn chưa đồng bộ. Thủ tướng Chính phủ đã quy định không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng thực tế, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm được điều này.
BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, GIÁM ĐỐC KHÁCH SẠN NHIỆT ĐỚI: Cần có đội ngũ đại lý thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực của ngành Thuế trong việc thực thi công vụ. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ vẫn phát biểu rằng ngành Thuế chưa thân thiện với doanh nghiệp. Tại sao người đứng đầu Chính phủ lại nói như vậy?
Thực tế, trong quá trình hoạt động, về phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tiếp xúc chủ yếu với cán bộ thuế. Cán bộ thuế có thân thiện hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự đánh giá của doanh nghiệp đối với nền hành chính địa phương. Do đó, ngành Thuế cần quán triệt đến cán bộ công chức toàn ngành về thái độ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp đánh giá cán bộ thuế này thân thiện, dễ làm việc, còn cán bộ thuế kia thì quá khó.
Thêm vào đó, tôi xin đơn cử một trường hợp là năm 2016, doanh nghiệp của tôi bị kiểm tra thuế. Năm đó, chúng tôi bị phạt, vì không nắm hết các quy định của ngành Thuế, dù đơn vị đã thuê tư vấn thuế. Từ trường hợp của doanh nghiệp mình và qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ đơn vị chuyên nghiệp nào làm công tác hỗ trợ kê khai thuế.
Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt hết các quy định của ngành Thuế, nhất là khi các quy định đó được cập nhật liên tục. Do đó, nên chăng ngành Thuế cần quan tâm đào tạo các đại lý thuế chuyên nghiệp, để họ trở thành cánh tay nối dài của cơ quan thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế, tránh việc doanh nghiệp làm sai mà không biết rồi bị phạt.
BÀ NGUYỄN KIM HẢI, GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH CÔNG TY CP TTP PHÚ YÊN: Nghiên cứu kỹ chính sách, tạo thuận lợi cho cả đôi bên
Công ty CP TTP Phú Yên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (80% vốn Thái Lan). Tại Phú Yên, chúng tôi đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (huyện Phú Hòa), khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019 với tổng kinh phí đầu tư đến nay khoảng 6.000 tỉ đồng.
Là một doanh nghiệp mới, đầu tư vào một lĩnh vực mới là điện năng lượng mặt trời nên trước khi đầu tư, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ điều kiện triển khai dự án, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia. Trước khi mở chi nhánh tại Phú Yên, chúng tôi đã liên hệ với Phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Phú Yên) và được tư vấn kỹ càng về cách thức thực hiện thủ tục hồ sơ đăng ký sao cho thuận lợi.
Sau khi triển khai dự án, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ thuế nên việc hoàn thuế diễn ra nhanh chóng. Từ khi nộp hồ sơ hoàn thuế, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, công ty đã được hoàn số thuế “kỷ lục tại địa bàn Phú Yên” là 390 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, tập đoàn đang nghiên cứu và chuẩn bị tiến hành một dự án mới liên quan đến nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với lãnh đạo tỉnh cũng như sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn. Chúng tôi thấy yên tâm, tự tin khi đồng hành cùng Phú Yên, và cam kết gắn bó đầu tư lâu dài, cũng như tuân thủ chính sách, pháp luật Việt Nam.
VIỆT AN (ghi)