Làng Nủ đã sống lại kỳ diệu
Tại Làng Nủ, những luống rau đã nảy mầm trên mảnh đất mới, cây xanh và nhiều loại hoa cũng đã được đem về để gieo thêm sức sống cho bản làng. Ngôi làng mới đẹp hơn, kiên cố hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn, đang dần hiện hữu sẽ là điểm tựa để người dân đứng dậy sau thiên tai khủng khiếp…
Sau gần ba tháng khẩn trương thi công, 40 căn nhà tái định cư tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành và được bàn giao cho người dân. Đây không chỉ là những ngôi nhà mới, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, hy vọng và tình yêu thương của cả nước đối với bà con vùng cao sau thảm họa thiên tai tàn khốc.
"CHẮP CÁNH" CHO NHỮNG HY VỌNG MỚI
Làng Nủ, một cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày nằm dưới chân núi Voi, đã chứng kiến một thảm họa khủng khiếp vào sáng ngày 10/9/2024 khi một trận lũ quét dữ dội đã tàn phá toàn bộ ngôi làng. Lũ quét cuốn trôi nhà cửa, đất đai và làm mất đi gần như toàn bộ tài sản, khiến 60 người chết, 7 người mất tích và hàng chục hộ gia đình mất nhà cửa. Thảm họa này đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho người dân nơi đây. Nhưng cũng chính từ nỗi đau đó, một làn sóng hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân cả nước đã giúp Làng Nủ vươn lên từ đổ nát, hoang tàn.
Bằng nỗ lực không mệt mỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các đơn vị thi công như Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, khu tái định cư Làng Nủ đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 15 ngày.
Ngày 15/12/2024, lễ bàn giao 40 căn nhà tái định cư cho bà con đã diễn ra, khẳng định bước ngoặt mới trong quá trình khôi phục và tái thiết vùng đất Làng Nủ. Thượng tá Vũ Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng, cho biết chính tình cảm và trách nhiệm của người lính đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, đưa công trình về đích sớm hơn 15 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Tại Khu tái định cư Làng Nủ mới, từng ngôi nhà đều có khu vườn trồng rau bên hông và phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào, với diện tích đất sử dụng khoảng 1.000 m2 mỗi nhà. Làng mới có các công trình phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2, điểm trường mầm non và tiểu học cũng được hoàn thiện.
Điểm trường mới được xây dựng trên diện tích 220 m2, bao gồm các phòng học, bếp ăn, phòng sinh hoạt chung và các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em nơi đây. Đặc biệt, khu tái định cư còn được xây dựng hệ thống điện, nước và viễn thông đầy đủ, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Khu tái định cư Làng Nủ nằm trên đồi Sim, cách làng cũ khoảng 2 km, với diện tích 10 ha. Các căn nhà sàn được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày, diện tích mặt bằng xây dựng trong mỗi căn nhà rộng 96 m2.
NGÔI LÀNG CỦA TÌNH NGHĨA ĐỒNG BÀO SÂU NẶNG
Sau gần ba tháng chịu đựng nỗi đau mất mát, bà con Làng Nủ đã có thể bắt đầu xây dựng lại cuộc sống từ những nền tảng vững chắc hơn. Những vườn rau xanh mướt đã bắt đầu nảy mầm, cây cối và hoa lá được trồng lại, mang đến sức sống mới cho ngôi làng.
Ngày nhận nhà mới, chị Hoàng Thị Cảnh xúc động nói: “Bà con ở đây rất vui mừng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và tất cả các Mạnh thường quân đã chung tay góp sức hỗ trợ bà con Làng Nủ có ngôi nhà mới. Chúng tôi sẽ làm vườn rau, trồng cây để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong tương lai, tôi cũng mong muốn các con được học hành đến nơi đến chốn để sau này theo học ngành, học nghề, có công ăn việc làm ổn định”.
Trong số 40 căn nhà tái định cư, có một câu chuyện đặc biệt khiến nhiều người xúc động. Đó là trường hợp của ba hộ dân ở Làng Nủ, mặc dù có quyền nhận nhà tái định cư, nhưng lại tình nguyện viết đơn xin nhường lại nhà cho những trường hợp khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Xuân Dương là một trong ba trường hợp này. Anh Dương cho biết gia đình anh đã mất hết người thân trong trận lũ quét. Anh không muốn nhận nhà, chỉ mong muốn những hộ gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ được nhận sự giúp đỡ này.
Với lý do tương tự, chị Nguyễn Thị Sành và chị Sầm Thị Nhiên cũng từ chối quyền lợi của mình để chia sẻ tình thân, tương ái với bà con nơi đây. Điều này càng làm rõ nét hơn sự hy sinh, tấm lòng nhân ái của những con người đã phải chịu nỗi đau quá lớn nhưng vẫn không quên được trách nhiệm với cộng đồng, với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
“Khu tái định cư Làng Nủ không chỉ là những ngôi nhà mới, mà là biểu tượng của sự đoàn kết, tinh thần nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với bà con vùng cao”, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, nói.
NẬM TÔNG VÀ KHO VÀNG HỒI SINH
Những ngày cuối năm, khi sương mù phủ kín các ngọn núi, những ngôi nhà mới ở khu tái định cư Nậm Tông và Kho Vàng, ở huyện Bắc Hà, cũng đã được bàn giao cho người dân bị thiên tai. Trước khi cơn lũ quét lịch sử do ảnh hưởng từ bão số 3 tàn phá, Nậm Tông và Kho Vàng là những bản làng thanh bình, nơi bà con sinh sống trong những mái nhà nhỏ, trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi gia súc. Nhưng chỉ trong một đêm, thảm họa thiên tai đã cuốn trôi mọi thứ, khiến hàng chục gia đình mất nhà cửa và người thân.
Cùng với sự chung tay của các cơ quan chức năng, các đơn vị thi công và cộng đồng, những khu tái định cư tại Nậm Tông và Kho Vàng đã được xây dựng nhanh chóng, mang lại mái ấm mới cho người dân. Tại khu tái định cư Kho Vàng, bà Bàn Thị Chắm (sinh năm 1968) xúc động chia sẻ: “Trước khi trận lũ quét đến, gia đình tôi sống yên bình, nhưng chỉ trong chốc lát, cơn lũ đã cuốn trôi tất cả. Tôi mất chồng, mất con trai, mọi thứ tiêu tan. Nay, chúng tôi đã có ngôi nhà mới, được xây dựng đúng với kiểu dáng của người Mông, đầy đủ bếp, phòng ngủ, và nhà vệ sinh. Tôi cảm ơn rất nhiều về sự giúp đỡ quý báu đó. Giờ đây gia đình tôi sẽ bắt đầu làm lại từ đầu”.
Tại Nậm Tông, những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Mông, mái nhà lợp ngói đỏ, tường trình đất tạo nên vẻ đẹp mộc mạc nhưng cũng rất kiên cố. Những mảnh vườn rau xanh mơn mởn tạo nên một không gian sống hòa hợp với thiên nhiên. Đằng sau mỗi căn nhà là bếp lửa ấm áp, nơi gia đình đoàn tụ sau những ngày lao động vất vả.
Một trong những gia đình may mắn được bàn giao nhà mới là gia đình anh Sùng A Túa. Căn nhà khang trang nằm trong khung cảnh núi rừng xanh tươi, đã trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình anh sau thảm họa. Anh Túa xúc động kể lại: “Chỉ mới cách đây ba tháng, gia đình tôi mất hết, nhưng giờ chúng tôi đã có nhà mới, có trường học cho con cái. Tất cả những gì tôi có lúc này là lòng biết ơn và quyết tâm xây dựng lại cuộc sống. Căn nhà này chẳng thiếu gì, từ ăn ở đến sinh hoạt, mọi thứ đều đầy đủ, rất tiện nghi”.
Không chỉ có nhà ở, các khu tái định cư Nậm Tông và Kho Vàng còn được thiết kế các tiện ích cộng đồng như nhà văn hóa, điểm trường học, hệ thống điện, nước và viễn thông. Những đứa trẻ giờ đây đã có lớp học mới, không còn phải học trong những ngôi trường tạm bợ. Tiếng ê a học bài, tiếng nô đùa của trẻ con đã trở lại, mang lại niềm vui mới cho bản làng. Công ty Môi trường Đô thị Lào Cai cũng góp phần tạo dựng cảnh quan cho khu tái định cư bằng cách trồng thêm 280 cây xanh, gồm cây hoa ban, anh đào và cây ban hoàng hậu đã được trồng xung quanh khu tái định cư Kho Vàng, tạo nên một không gian sống tươi đẹp và trong lành.
Trong lòng núi rừng hùng vĩ, những ngôi nhà ở Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng đang dần trở lại với cuộc sống bình yên, đầy hy vọng. Những ngôi nhà kiên cố, vững chãi không chỉ là mái ấm mà còn là biểu tượng của sức sống, là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và tình người trong thời khắc khó khăn. Đây cũng là lời nhắc nhở về sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội đối với những cộng đồng gặp khó khăn, giúp họ vượt qua thiên tai...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 30/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lang-nu-da-song-lai-ky-dieu.htm