Làng Nủ mới sẽ được xây theo mẫu kiến trúc truyền thống người Tày

Nhà sàn tại khu tái định cư Làng Nủ sẽ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Nhà được xây theo mẫu kiến trúc truyền thống người Tày. Sau khi xây dựng xong, các hộ dân sẽ bốc thăm chọn nhà đảm bảo công bằng, dân chủ.

 Nỗi đau quá lớn đối với chị Hoàng Thị Bóng (thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai)

Nỗi đau quá lớn đối với chị Hoàng Thị Bóng (thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai)

Nhà có 6 người thì 5 người mất

Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) có 167 hộ với 760 đồng bào người dân tộc Tày sinh sống. Nơi đây từng là một vùng đất yên bình, người dân sinh sống đoàn kết, gắn bó. Tuy nhiên, trận lũ quét rạng sáng ngày 10/9, đã cuốn theo không chỉ tài sản mà cả tính mạng của nhiều người.

Khi tiếp cận Làng Nủ, cảnh tượng trước mắt khiến mọi người đều thẫn thờ, ngôi làng nhỏ bé, nơi người dân từng sống bình yên, giờ đây chỉ còn là một bãi bùn mênh mông. Tất cả dấu tích của sự sống đều đã bị cuốn đi sau một đêm kinh hoàng.

Những tiếng gào khóc mẹ gọi tên con, vợ gọi chồng, con gọi mẹ vang vọng cả một góc trời, khiến những người đến đây dù mạnh mẽ đến nhường nào cũng đều phải rưng rưng nước mắt.

Rất đông người được huy động tham gia tìm kiếm những người mất tích sau trận lũ quét tại Làng Nủ.

Rất đông người được huy động tham gia tìm kiếm những người mất tích sau trận lũ quét tại Làng Nủ.

"Còn gì nữa đâu, nhà có 6 người thì chết 5 rồi, còn đứa con út 1 tuổi chưa tìm được…", anh Hoàng Văn Thới òa khóc khi có người hỏi thăm.

"Mất tất cả rồi, mẹ ơi, vợ ơi, con ơi…", tiếng khóc của người đàn ông khiến nhiều người rơi nước mắt.

Hơn 5 phút sau, anh Thới mới bình tĩnh lại và kể, đêm 9/9 anh đi làm và không về nhà, trời mưa lớn, nhà bị dột nên mẹ, vợ và 3 đứa con nhỏ của anh sang nhà người thân ở nhờ. Rạng sáng 10/9, sau tiếng nổ lớn, đất đá và bùn ập xuống, chôn vùi toàn bộ ngôi nhà nơi mẹ, vợ và các con anh trú ngụ.

"Bao nhiêu người được đưa về mà mãi không thấy anh đâu"

Không chỉ riêng anh Thới, chị Hoàng Thị Bóng cũng chịu cảnh đau đớn khi chồng của bà bị mất tích trong trận lũ. Ngày nào bà cũng đi dọc theo con suối, nơi lực lượng cứu hộ đang làm việc với hi vọng tìm được thi thể của người thân.

Mỗi lần tìm thấy một thi thể, chị lại chạy đến với hi vọng đó là người thân của mình. "Anh ơi, sao bao nhiêu người được đưa về mà mãi không thấy anh đâu?", tiếng khóc xé lòng của chị Bóng như xát thêm muối vào lòng những người đang có mặt tại Nhà Văn hóa thôn Làng Nủ, nơi thi thể nạn nhân vụ lũ quét được đưa về.

Mấy ngày qua, ông Hoàng Văn Vọng luôn túc trực tại hiện trường vụ sạt lở để ngóng tin của cậu con trai đang mất tích.

"Nhà có 3 người thì chết 2 người là vợ và con trai. Tôi may mắn thoát chết vì đêm xảy ra sạt lở đất, tôi có việc nên không ở nhà. Khi nghe tin cả làng bị vùi lấp, vợ và con tôi đều mất, tôi bủn rủn cả chân tay. Hiện tại mới tìm thấy thi thể vợ tôi, nhưng cũng không còn nguyên vẹn, còn con trai thì đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy", ông Vọng kể.

Sau cơn nức nở, ông Vọng kể tiếp: "Hôm tìm thấy thi thể vợ tôi, trời vẫn mưa to lắm, quan tài khi ấy vẫn chưa thể đưa vào được vì đường vào thôn bị sạt lở. Tôi và mấy anh em phải lấy tạm vài miếng ván gỗ rừng đóng lại, gói bà ấy vào đấy rồi khiêng ra ngoài vì sợ để trong này trời mưa to, nước dâng lên lại trôi tiếp".

Ông Hoàng Văn Vọng đau xót khi cùng lúc mất đi cả vợ và con trai

Ông Hoàng Văn Vọng đau xót khi cùng lúc mất đi cả vợ và con trai

Trong đôi mắt ngấn lệ của người đàn ông cô độc 50 tuổi, giờ đây mong mỏi nhất là sớm tìm được thi thể người con trai duy nhất.

Người dân Làng Nủ sẽ bốc thăm chọn nhà mới

Chiều 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chủ trì buổi làm việc, khảo sát thực tế địa hình với các cơ quan của tỉnh, Đại học Mỏ - Địa chất, chuyên gia về địa chất, thường trực Huyện ủy Bảo Yên về phương án bố trí khu vực tái định cư Làng Nủ (xã Phúc Khánh).

Sau khi nghiên cứu, thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã kết luận một số nội dung. Cụ thể, nhà sàn tại khu tái định cư Làng Nủ sẽ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Nhà được xây theo mẫu kiến trúc truyền thống người Tày. Xây xong khi bàn giao sẽ để các hộ dân bốc thăm chọn nhà đảm bảo công bằng, dân chủ.

Với địa điểm xây dựng khu tái định cư Làng Nủ, có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1: Giữa cánh đồng (khoảng 3ha). Tuy nhiên, phương án này không an toàn vì mặt bằng thấp, có dòng suối chảy quanh, nguy cơ lũ quét có thể xảy ra, rất nguy hiểm.

Phương án 2: Nằm ở khu vực đồi sim, cách Làng Nủ cũ 2km, địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước, rộng rãi.

Sau khi nghiên cứu, thảo luận, Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường kết luận lựa chọn phương án 2. Sau đó, tại buổi làm việc, khi được hỏi ý kiến, 100% người dân cũng biểu quyết chọn phương án này.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng các đơn vị liên quan khảo sát các vị trí lựa chọn xây dựng khu tái định cư làng Nủ. Ảnh: Ban Tuyên giao Tỉnh ủy Lào Cai.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng các đơn vị liên quan khảo sát các vị trí lựa chọn xây dựng khu tái định cư làng Nủ. Ảnh: Ban Tuyên giao Tỉnh ủy Lào Cai.

Làng Nủ mới hoàn thành trước 31/12/2024

Về tiến độ thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay trong ngày 16/9, máy móc sẽ được đưa vào để triển khai đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù giải phóng mặt bằng, thi công.

Quyết tâm hoàn thành công việc trước 31/12/2024. Trước mắt dự kiến xây dựng 40 ngôi nhà cho 40 hộ gia đình bị thiệt hại. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị bà con nhân dân Làng Nủ tham gia giúp đỡ công nhân trong quá trình xây dựng khu tái định cư mới với mục tiêu xây dựng một Làng Nủ mới đẹp hơn Làng Nủ cũ và người dân đoàn kết, quyết tâm.

Bên cạnh đó, khu vực tái định cư mới còn có thể bố trí cho số hộ dân đang ở vị trí thấp chứ không phải chỉ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét tại thôn Làng Nủ.

Trước đó, trận lũ quét rạng sáng 10/9, đã khiến 52 người thiệt mạng, 40 ngôi nhà bị vùi lấp. Hàng chục người bị thương và mất tích.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-nu-moi-se-duoc-xay-theo-mau-kien-truc-truyen-thong-nguoi-tay-20240916151600438.htm