Làng nuôi cá chép đỏ bán hàng chục tấn, nhộn nhịp khách mua dịp ông Công, ông Táo

Khác với vẻ yên ắng ngày thường, mỗi dịp ông Công, ông Táo làng nuôi cá chép đỏ ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa) lại tấp nập người mua kẻ bán.

Cúng ông Công, ông Táo: Phong tục lâu đời ở Việt Nam

Theo truyền thuyết của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp.

Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện - Ác của con người.

Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Đồ lễ để cúng ông Công ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo.

Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến...

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Cũng theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.

Một số gia đình có thể mua cá chép giấy, tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Gia đình anh Ứng thu hoạch cá chép đỏ

Gia đình anh Ứng thu hoạch cá chép đỏ

Làng nuôi cá chép đỏ bán hàng chục tấn mỗi dịp ông Công, ông Táo

Ngay từ sáng sớm những người dân tại phố Tân Cổ, Bái Trúc thị trấn Tân Phong đã tất bật kéo lưới chuẩn bị cá chép đỏ để cung cấp ra thị trường.

Anh Lê Văn Ứng, phố Bái Trúc cho biết, hằng năm từ ngày 20 - 22/12 Âm lịch, những người nuôi cá chép đỏ tại Tân Cổ lại tất bật người hút ao, kẻ kéo cá, bắt cá trống vào bể để mang ra chợ. Nhiều thương lái ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế cũng tìm mua với số lượng lớn để đưa về quê bán.

“Năm nay do thời tiết khắc nghiệt nên cá không đẹp, cá chậm phát triển nhưng giá lại nhỉnh hơn năm ngoái, dao động từ 120 - 150 ngàn đồng /kg”, anh Ứng cho biết.

Theo lời kể của người dân, Tân Cổ có truyền thống nuôi cá chép từ bao đời nay. Cá chép ở đây có màu đỏ óng, không có đốm đen trên người và to đều nhau, loại cá này rất được người dân ưa chuộng.

Cá chép đỏ là vật được đem cúng ông Công, ông Táo về trời

Cá chép đỏ là vật được đem cúng ông Công, ông Táo về trời

Anh Nguyễn Trọng Chiến, phố Bái Trúc chia sẻ: “Năm nay gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 tấn cá chép phục vụ Tết ông Công, ông Táo cho các thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh”.

Để chuẩn bị cá phục vụ cho ngày Tết ông Công, ông Táo gia đình anh Chiến đã bắt tay vào nuôi cá từ tháng 7 âm lịch. Quá trình nuôi ngoài cho cá ăn đều đặn còn phải thường xuyên kiểm tra các biểu hiện khi cá ngoi lên mặt nước để ăn, nếu có biểu hiện lạ phải điều chỉnh kịp thời.

Thống kê của UBND thị trấn Tân Phong cho thấy, trên địa bàn thị trấn có khoảng hơn 200 hộ nuôi cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo.

Mỗi dịp 23 tháng Chạp hàng năm địa phương này cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ. Vì thế, nghề nuôi cá chép đỏ từ lâu đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/lang-nuoi-ca-chep-do-ban-hang-chuc-tan-nhon-nhip-khach-mua-dip-ong-cong-ong-tao-d166328.html