Làng nuôi 'phương tiện' tiễn ông Công ông Táo rộn ràng mua bán, thu hàng tỷ đồng/vụ
Sát ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), ngôi làng này trở nên rộn ràng, hối hả hơn bao giờ hết bởi những chuyến xe đi về, chở hàng tấn cá chép đi khắp các tỉnh thành.
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23/12 (âm lịch) hàng năm đã trở thành một phong tục có từ lâu đời của người Việt. Vào ngày này, các gia đình thường mua sắm lễ vật và phóng sinh cá chép đỏ để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Vì vậy, việc nuôi cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cũng trở thành nghề mang lại thu nhập cao cho một số hộ gia đình.
Cá chép đỏ được coi là "phương tiện" giúp ông Công ông Táo về trời.
Được coi là một trong những làng nghề nuôi cá chép đỏ lớn nhất cả nước hình thành từ năm 1960, làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) những ngày này lại tất bật thu hoạch những mẻ cá chép đỏ, mang đi khắp cả nước.
Người dân nuôi cá chép của làng Thủy Trầm hối hả thu hoạch cá chép.
Ông Nguyễn Huy Luận, người sở hữu hơn một mẫu ao nuôi cá chép đỏ tại Thủy Trầm cho biết, năm nay gia đình ông dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1 tấn cá.
Những mẻ lưới "bội thu" cá chép.
“Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt mua từ cách đây 1 tháng với giá từ 90-110 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, nhà tôi thu được khoảng 65 triệu đồng”, ông Luận nói.
Cá được thương lái đặt mua từ cách đây cả tháng.
Để có cá chép đỏ bán vào dịp này, người nuôi sẽ thả giống từ tháng 6 âm lịch. Ngoài ăn các sinh vật phù du, rong rêu, cá chép còn được bổ sung thêm cám chuyên dùng. Đến khi thu hoạch, cá có kích cỡ khoảng 3 món tay, từ 20-40 con/kg là đạt chuẩn.
Những con cá chép có màu rực rỡ được bán với giá từ 110-150 nghìn đồng/kg.
Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc HTX cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm cho biết, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960. Năm 2011, được công nhận là làng nghề và đầu tư cơ sở vậy chất phát triển làng nghề.
Cá khỏe mạnh, từ 20-40 con/kg là đạt tiêu chuẩn.
Hiện nay, toàn xã Tuy Lộc có hơn 30ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, tạo việc làm cho 1.140 lao động tại chỗ.
Ông Luận phấn khởi trước một vụ cá chép bội thu.
Năm 2023, dự kiến làng Thủy Trầm cung cấp ra thị trường khoảng 35 tấn cá chép đỏ với giá từ 110-150 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, người nuôi thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/sào.
Người dân hối hả kéo cá lên để bán cho thương lái.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy.
Cá chép được chứa trong các ô lưới, chờ thương lái đến cân.
Tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.
Từ Phú Thọ, cá chép được đưa đi khắp các tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương... để cung cấp cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.