Làng pháo đất xứ Đông thời 4.0

Dù hiện nay không thiếu phương tiện giải trí hiện đại, song với người dân huyện Ninh Giang (Hải Dương - thường được biết đến với tên gọi xứ Đông) chơi pháo đất vẫn là thú vui không thể thiếu.

Tỉ mỉ làm sạch đất

"Không thể thống kê được mỗi năm huyện Ninh Giang có bao nhiêu giải pháo đất bởi môn thể thao này đã ăn sâu vào trong máu thịt của người dân nơi đây. Bình thường, cứ rảnh rỗi là người dân lại tổ chức đánh pháo bất kể là sáng hay tối", anh Phạm Văn Nam (SN 1986, trú tại thôn Do Nghĩa, xã Nghĩa An), một người trong đội pháo đất xã Nghĩa An cho biết.

Đội pháo đất xã Nghĩa An tại lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Đội pháo đất xã Nghĩa An tại lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Theo anh Nam, pháo đất được chia làm 2 loại là pháo đại và pháo cất vẩy. Trong đó, pháo đại được sử dụng phổ biến ở xã Nghĩa An. "Chơi pháo đất nhìn thì rất dễ nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu trong từng bước. Nhất là trong việc lấy đất và làm đất", anh nói.

Người chơi pháo phải chọn đất triều củ (đất thịt). Loại đất đặc biệt này thường sạch, không có nhiều tạp chất, được lấy ở độ sâu trên 1m từ các cánh đồng.

Đất được quy hoạch để làm pháo đẹp như gan gà bởi độ mịn, không có sỏi. Xã cũng bố trí một người bảo vệ khu đất, tránh tình trạng người dân khai thác tự do. Với sự vào cuộc kịp thời của địa phương, chắc chắn trò chơi pháo đất Nghĩa An sẽ được gìn giữ, phát triển bền vững.

Ông Trần Văn Hãn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An

Sau khi lấy đất về, phải dùng liềm thái để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, rồi vồ đập đến khi đất nhuyễn, mịn và không dính tay. "Ngày xưa các cụ dùng tay cầm gỗ để đập đất cho nhuyễn. Sau này, người dân dùng máy móc để làm công đoạn đó", anh Nam kể.

Khi làm đất xong, người chơi sẽ tạo đất theo khuôn hình vuông. Sau đó, phải dùng chân, tay dậm, đấm, lèn chặt quả đất để tạo hình cho quả pháo. Pháo phải có hình bầu dục, mõm pháo nhỏ hơn gáy pháo, phần giữa dày hơn hai bên.

Sau khi tạo hình xong, người chơi dùng khăn vải thấm nước, vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm viền manh (mép pháo) cho đều.

Bấm xong, người chơi dùng dao hoặc thanh tre nhọn khía sâu vào rãnh viền cho đứt hẳn. Sau đó, tiếp tục bấm một lần đất phủ kín chỗ đã khía để làm liền. Ở phần mõm pháo, người chơi rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối trước khi gieo.

Gieo pháo như thế nào?

Mỗi quả pháo thường có trọng lượng từ 60-80kg nên trước khi gieo phải cần vài người hỗ trợ nâng pháo lên cho pháo thủ. Khi chuẩn bị gieo, chân pháo thủ đứng vuông góc với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng.

Lúc gieo, pháo thủ phải để hai chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, đòi hỏi mỗi pháo thủ phải rèn luyện cả về sức khỏe và kinh nghiệm.

Khi gieo pháo, mọi người sẽ đứng vòng quanh, tiếng trống thúc giục, tiếng hò reo của người xem rộn rã. Pháo tiếp đất sẽ tạo ra tiếng nổ cực lớn, nghe to như tiếng sấm, khán giả cổ vũ xung quanh phải đứng xa pháo thủ để tránh mảnh pháo văng vào người.

Ông Phạm Xuân Khi, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chơi pháo đất chia sẻ, trong cuộc thi pháo đất, trọng tài sẽ đo chiều dài của manh để xác định đội nào về nhất.

Do đó, lúc gieo pháo, người chơi cần gieo làm sao cho pháo cân, vuông thì manh pháo mới dài.

"Không thể xác định đội thắng bằng 1 quả pháo đất mà phải bằng nhiều quả. Thông thường 1 đội sẽ có khoảng 15 người chơi và phải làm 5 quả pháo. Như vậy, 3 người phụ trách làm 1 quả. Sau khi mỗi đội gieo 5 quả pháo, trọng tài sẽ xem manh pháo của đội nào dài hơn để xác định đội đó đứng nhất", ông Khi cho biết.

Pháo nổ khắp làng

Đến năm 2023, pháo đất xã Nghĩa An được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP. Sau đó, xã đã thành lập đội pháo đất OCOP Nghĩa An với 35 thành viên, đều là người có kinh nghiệm và đạt nhiều kết quả cao trong các cuộc thi. Đội có quy chế hoạt động, xây dựng nguồn quỹ, may đồng phục cho các thành viên. Trước lúc thi đấu, đội đều dành thời gian tập luyện và phân công nhiệm vụ cho từng người.

Đội pháo đất OCOP xã Nghĩa An với 35 thành viên, đều là người có kinh nghiệm, thường xuyên đi thi đấu, biểu diễn khắp nơi.

Đội pháo đất OCOP xã Nghĩa An với 35 thành viên, đều là người có kinh nghiệm, thường xuyên đi thi đấu, biểu diễn khắp nơi.

Anh Phạm Quang Điệp, Đội trưởng Đội pháo đất Nghĩa An cho biết: "Người dân trên địa bàn xã đều biết và chơi pháo đất. Nhưng tại thôn Trịnh Xuyên có nhiều người đam mê pháo đất nhất. Từ người già đến thanh, thiếu niên đều rất hào hứng. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm và thành thạo nhất đều thuộc thế hệ 7x và 8x".

Anh Điệp kể, không ai biết pháo đất có từ bao giờ. Chỉ biết lúc bé đến khi lớn lên đã thấy người dân trong thôn, trong xã chơi. Trước đây, già trẻ, trai gái ai ai cũng biết chơi và đam mê, chơi cả ngày lẫn đêm. Tiếng pháo nổ vang khắp cả làng, vui như hội.

Phát huy giá trị văn hóa

Mỗi khi diễn ra hội thi, pháo đất luôn thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo du khách trong và ngoài nước, đó cũng là cách để Hải Dương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian trong thời hiện đại.

Ông Trần Văn Hãn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho rằng, ngoài rèn luyện sức khỏe, pháo đất còn là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân gian, gắn với bảo tồn và phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

"Hằng năm, xã tổ chức nhiều cuộc thi trên địa bàn, thu hút đông đảo người dân. Ngoài ra, huyện Ninh Giang và tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức trò chơi dân gian này, trong đó không thể thiếu đội pháo đất Nghĩa An", ông Hãn thông tin.

Cũng theo ông Hãn, trước đây, việc lấy đất làm pháo tự phát, người chơi có thể lấy ở bất kỳ đâu. Từ khi pháo đất được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP, xã Nghĩa An đã quy hoạch 350m2 ở khu vực Triều Sam thuộc thôn Trịnh Xuyên để chuyên lấy đất làm pháo.

Tương truyền pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng, quân và dân đã dùng tiếng nổ của pháo đất để nghi binh và áp đảo tinh thần của giặc. Lại có thuyết truyền rằng: "Voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương đi đánh trận bị sa lầy ở sông Hóa và nhân dân đã ném đất xuống bãi lầy tạo đường đi để cứu voi. Từ đó, mỗi khi rỗi việc đồng áng, nhân dân thường tập trung diễn lại cảnh tung đất cứu voi khi xưa và dần đã trở thành trò chơi pháo đất".

Quốc Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lang-phao-dat-xu-dong-thoi-40-192240809102433371.htm