Lãng phí công trình nước sạch ở Bắc Cạn
Thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân các thôn, bản vùng cao. Tuy nhiên, do những bất cập, yếu kém trong quá trình quản lý, giám sát thi công và vận hành đã dẫn tới hệ quả là nhiều công trình không phát huy hiệu quả, bị bỏ hoang gây lãng phí.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tới thôn Bản Piềng, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông tìm hiểu về công trình nước sạch mới đưa vào sử dụng sau sửa chữa. Dẫn chúng tôi men theo đường rừng, đi bộ hơn 2 km, trưởng thôn Bản Piềng Nông Ðức Ðệ cho biết, từ khi làm trưởng thôn được ba tháng nay, anh đã phải lên năm lần để sửa lại mối nối ống bị hỏng của công trình. Tính ra, người dân trong thôn đã có ít nhất hơn 10 lần lên sửa lại dù công trình mới đưa vào sử dụng chưa lâu.
Khu vực đặt cửa thu nước của công trình nằm ở giữa con suối trên đỉnh Khau Moóc. Sát với cửa thu nước hiện tại là vị trí cửa thu cũ đã bị lũ phá hỏng, các khối bê-tông nằm ngổn ngang dưới nước. Ðầu ống nối vào cửa thu bằng sắt đã bị tuột ra, người dân khắc phục bằng cách dùng một chiếc ủng cũ "vá" lại. Từ đầu cửa thu, đi xuống dưới khoảng 500 m là tới hệ thống bể lắng, gom của công trình, sát thành bể ngập ngụa cỏ và phân trâu, bò. Sát đó là hệ thống bể cũ do dự án Childfun tài trợ cho thôn từ lâu. Theo người dân, trước đây hệ thống bể cũ này vẫn hoạt động, cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong thôn. Khi xây dựng công trình mới, dự án tận dụng toàn bộ hệ thống ống dẫn từ bể thu cũ này về thôn, đoạn nào hư hại thì sửa lại. Bà con những tưởng có công trình mới thì nước về sẽ ổn định hóa ra lại không bằng công trình cũ. Anh Nông Văn Tạo, người dân trong thôn cho biết: Chẳng hiểu sao sửa xong thì nước lại về ít hơn. Chúng tôi khốn đốn vì hệ thống mới mất nước liên tục.
Trước kiến nghị, phản ánh liên tục của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn đã chỉ đạo chủ đầu tư là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Cạn kiểm tra công trình. Kết quả cho thấy, cửa thu bị đất, cát vùi lấp; một số đoạn ống qua suối bị lũ cuốn trôi đã khắc phục; một số đoạn ống chính hở trên mặt đất; đa phần trụ vòi tại các hộ gia đình không có nước hoặc có nhưng không đều. Công tác bàn giao của chủ đầu tư cho đơn vị quản lý chưa chặt chẽ. Công trình chưa được chủ đầu tư bàn giao cụ thể các hạng mục cho địa phương cho nên UBND xã chưa đủ cơ sở để chỉ đạo tổ quản lý vận hành sau đầu tư. Khi mưa, lũ về, hạng mục cửa thu nước thường bị vùi lấp dẫn đến mất nước thường xuyên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn đã phải chỉ đạo chủ đầu tư sớm khắc phục, sửa chữa xong trong tháng 10, dù công trình mới bàn giao từ tháng 6-2019.
Ngoài công trình ở xã Lục Bình nhiều công trình có tổng mức đầu tư lớn ở Bắc Cạn nhưng đến nay cũng không phát huy hiệu quả, nguy cơ bị bỏ hoang. Năm 2010, người dân xã Mai Lạp (Chợ Mới) được đầu tư công trình nước sạch với tổng mức đầu tư hơn bốn tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình khi hoàn thành sẽ cấp nước cho 330 hộ dân với hơn 1.000 người thuộc tám thôn, gồm: Bản Pá, Khau Làng, Nà Tổng, Nà Ðiếng, Mỏ Toòng, Khuổi Ðác, Bản Rả, Bản Ruộc và các cơ quan đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, do không làm tốt công tác bảo vệ, hệ thống không được duy tu, bảo dưỡng, đường ống dẫn của công trình bị vỡ khiến nước không thể chảy về các bể chứa. Cỏ mọc um tùm, công trình bỏ hoang lãng phí.
Ông Hà Văn Luyến, thôn Khau Làng cho biết: Gia đình tôi chỉ được dùng nước từ công trình này một thời gian ngắn. Tiếp xúc đại biểu HÐND lần nào người dân cũng kiến nghị nhưng chẳng đến đâu cả. Bà Triệu Thị Tình ở thôn Bản Pá chia sẻ, công trình hiện nay hư hỏng nặng, người dân không đủ sức để sửa chữa. Chúng tôi phải tự bỏ tiền ra khoan giếng, nhưng không phải hộ nào cũng có tiền để làm.
Nhiều công trình mới được đầu tư đồng bộ hoặc đã hư hỏng từ lâu nhưng không được sửa chữa kịp thời hiện cũng đang có nguy cơ bỏ hoang, hết sức lãng phí. Thôn Lủng Ðiếc, xã Bành Trạch (Ba Bể) có hơn 50 hộ dân được hưởng lợi từ một công trình nước sạch xây dựng năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn sáu tỷ đồng. Nhưng từ đó tới nay người dân trong thôn chưa một lần được dùng nước sạch từ công trình này.
Tương tự là các công trình ở Bản Vén, xã Ðôn Phong (Bạch Thông) đầu tư từ năm 2003 cấp nước cho 50 hộ dân giờ đã bỏ hoang. Hệ thống bể nước, đường ống dẫn nước bị nứt, vỡ vì vậy đã không thể sử dụng từ năm 2009 tới nay. Không có nước, người dân phải tự bỏ tiền khoan giếng nhưng nước lại có mùi. Tại xã Ðôn Phong có bảy công trình nước sạch thì toàn bộ đều hoạt động phập phù, không phát huy được hiệu quả như trong thiết kế.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Cạn hiện có 642 công trình nước sạch đã được bàn giao, đưa vào sử dụng cấp nước cho gần 152 nghìn người. Tuy nhiên, trong số này có tới 58 công trình hoạt động kém hiệu quả; 17 công trình không còn hoạt động; số công trình phát huy hiệu quả thấp, trung bình cũng không phải là ít, chưa kể nhiều công trình cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Với kinh phí đầu tư mỗi công trình trung bình một tỷ đồng thì toàn tỉnh Bắc Cạn hiện có tới hơn 70 tỷ đồng vốn đầu tư vào 75 công trình đang kém hiệu quả, không hoạt động rất lãng phí.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Cạn Bế Ngọc Hùng cho biết: Trước mắt, chúng tôi tiếp tục ưu tiên vốn chương trình mở rộng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để sửa chữa những công trình lớn, cấp nước cho nhiều hộ dân. Những công trình nhỏ hơn cũng cần các địa phương, sở, ngành quan tâm sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng thường xuyên để tránh bị hư hỏng nặng.
Với hơn 600 tỷ đồng đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, Bắc Cạn đã dành sự quan tâm lớn đối với lĩnh vực cấp thiết này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các cấp chính quyền của tỉnh cần khảo sát kỹ lưỡng khi đầu tư đi đôi với tìm giải pháp quản lý, vận hành hiệu quả để tránh tái diễn tình trạng cứ đầu tư sau một thời gian lại hư hỏng như hiện nay, làm giảm công năng của các công trình trong quá trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân.