Lãng phí đất 'vàng' ở Ðồng Nai
Ở TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai có khu đất doanh nghiệp xin làm khu nhà ở nhưng để trống, có khu đất thuê xong rồi sử dụng vào mục đích khác… gây lãng phí, thất thu khiến dư luận bức xúc
Người dân sinh sống gần các địa chỉ đất "vàng" ở TP Biên Hòa mà Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai vừa yêu cầu kiểm tra, khi được hỏi đều tỏ ra bức xúc bởi nơi thì bỏ hoang, nơi thì sử dụng sai mục đích suốt nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh.
Xin xong rồi để lãng phí
Ðứng đầu trong danh sách 10 địa chỉ đất vừa bị yêu cầu kiểm tra là khu đất mặt tiền Quốc lộ 1 (thuộc phường Tân Hòa, TP Biên Hòa). Ðây là khu đất mà trước đó Công ty CP Việt Bo Việt đề nghị thực hiện dự án khu dân cư. Thế nhưng từ khi được giao đất đến nay đã bị bỏ trống.
Theo ghi nhận, xung quanh khu đất rộng nhiều hecta này là tường cao 3-4 m bao quanh. Nhiều đoạn tường đã nứt toác, có thể đổ bất cứ lúc nào, có đoạn phải rào lại bằng tôn. Cánh cửa mặt tiền ghi tên công ty, quanh năm đóng cửa. Ngoài căn nhà cũ kỹ có từ lâu đã bỏ hoang, phía trong không thấy có dấu hiệu của việc sẽ động thổ, thực hiện dự án.
Ngao ngán khi nhắc về khu đất bỏ hoang trên, ông Thành (50 tuổi, nhà cách khu đất 4 m) nói mấy năm trước, người dân được thông báo nơi này sẽ làm dự án khu dân cư do Công ty CP Việt Bo Việt làm chủ dự án. "Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kinh doanh, mua bán. Vậy mà, hơn 3 năm qua, khu đất vẫn là khu đất trống và 1 căn nhà nhỏ bỏ hoang. Nhìn mà tiếc" - ông Thành nói. Ông đề nghị nhà nước phải nhanh chóng làm rõ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoặc thu hồi giao cho nhà đầu tư khác.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Việt Bo Việt do ông Ph.V.V là người đại diện pháp luật với nhiều lĩnh vực kinh doanh như bất động sản, hoàn thiện sản phẩm dệt, buôn bán máy móc, máy tính...
Tương tự, cứ nhắc đến chợ Hốc Bà Thức (thường gọi là chợ Bà Thức, phường Tân Phong, TP Biên Hòa) thì người dân xung quanh chợ lại bức xúc vì việc quá lãng phí tài nguyên đất. Theo phản ánh của người dân, đây là ngôi chợ đã được tư nhân hợp đồng xây dựng lên. "10 năm trước, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm cơ hội cải thiện thu nhập khi ngôi chợ đi vào hoạt động. Thế nhưng, các tiểu thương thuê sạp ở chợ này cho hay do giá thuê cao nên chợ chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi bỏ hoang. Giờ ngôi chợ này là cái ung nhọt giữa khu dân cư" - bà H., người dân sống gần khu chợ, bức xúc kể. Theo bà, nhà nước cần sớm có giải pháp khắc phục. "Hoặc là sửa làm mới rồi cho thuê trở lại, hoặc là phá bỏ, chứ cả một khu chợ bị bỏ hoang vừa làm xấu bộ mặt đô thị, vừa lãng phí tài nguyên đất" - bà H. kiến nghị.
Tấp nập sang tay, cho thuê lại
Trong khi đó, khu đất siêu thị Vinatex Biên Hòa trên đường Phan Ðình Phùng (phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) hiện tại là quán cà phê, gà rán, cắt tóc, bãi đỗ xe…. Trước đây, siêu thị Vinatex Biên Hòa là khu đất được tỉnh Ðồng Nai cho một công ty thuộc một sở của tỉnh Ðồng Nai thuê. Tuy nhiên sau đó, công ty này cho các đơn vị khác thuê lại và kinh doanh một số ngành nghề không đúng quy định…
Một người dân bán nước gần khu đất cho hay trước đây, siêu thị tấp nập, đông khách ra vào. Sau vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm người tại tiệm game bắn cá ở tầng trệt siêu thị Vinatex vào tháng 1-2018 làm 3 người bị thương thì bị chính quyền rà soát ngành nghề kinh doanh tại các siêu thị này dẫn tới tiệm game bắn cá và nhiều cửa hàng kinh doanh khác phải đóng cửa. Vì vậy, hiện tại khu đất đã trở thành khu buôn bán "đa ngành nghề".
Tại khu đất mặt tiền dọc đường Nguyễn Ái Quốc (từ vòng xoay Tân Phong đến Công ty CP Công trình Giao thông Ðồng Nai, thuộc phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) là hàng loạt quán cà phê, quán ăn, buôn bán cây cảnh hoạt động. Theo tìm hiểu, hiện tại khu đất này có khoảng 10 người thuê. Việc thuê đi, thuê lại đã khiến cả người dân "cố cựu" nơi đây cũng không biết đích xác ai là chủ nhân khu đất mà chỉ biết khu đất đã bị sử dụng sai mục đích thông qua việc "sang tay" thuê mướn.
Phải báo cáo trước ngày 28-4-2022
Ngoài 4 địa chỉ đất trên, việc kiểm tra dấu hiệu quản lý lỏng lẻo, cho thuê sử dụng sai mục đích còn được tiến hành ở khu đất của Công ty Rượu bia Ðồng Nai cũ; khu đất xây dựng nhà xưởng và kho bãi cho thuê của Công ty CP Ðịa ốc Ðồng Nai (cùng thuộc phường Long Bình, TP Biên Hòa), khu đất nằm ở hẻm trái đoạn đường từ cầu Sập đến khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Ðồng Nai (thuộc phường Tân Biên, TP Biên Hòa), khu đất bãi tập kết vật liệu xây dựng cầu Ðồng Nai và khu đất Công ty Gỗ Long Bình (thuộc phường An Bình, TP Biên Hòa).
Ðặc biệt, có 2 khu đất vô cùng đắc địa cũng bị yêu cầu kiểm tra là khu đất nằm mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) - nơi đây là trung tâm tiệc cưới và hội nghị Golden Place có diện tích sàn lớn nhất là 3.000 m2, sảnh lớn nhất diện tích 1.210 m2, có sức chứa 2.600 người; và khu đất Công ty Biti›s (phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa) - đây là khu đất có diện tích nhiều hecta, án ngữ mặt tiền tuyến đường trung tâm Phạm Văn Thuận.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ðồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tổng hợp kết quả kiểm tra các địa chỉ đất nói trên, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28-4-2022 và đề xuất hướng xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
HTX Gò Me nói gì về kết luận sai phạm liên quan đến đất?
Liên quan đến kết luận của UBND tỉnh Ðồng Nai về hàng loạt sai phạm đất đai tại Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp Gò Me (HTX Gò Me) tại TP Biên Hòa, UBND TP Biên Hòa đang cùng HTX Gò Me kiểm tra, rà soát hiện trạng, xử lý 73 sổ đỏ đã cấp trái quy định; đánh giá lại nhu cầu sử dụng đất của HTX, nếu cần thiết thì xem xét thu hồi những phần đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai cũng đang tiến hành làm việc với các bên liên quan để xem xét lại việc sử dụng đất không đúng mục đích.
HTX Gò Me vừa có văn bản giải trình về kết luận thanh tra và kiến nghị các sở ngành, TP Biên Hòa, UBND tỉnh làm rõ từng nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất xuyên suốt của HTX trong 38 năm qua để từ đó, HTX sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất cho đúng quy định.
Phía HTX Gò Me cho rằng kết luận HTX không quản lý, kiểm tra sử dụng đất giao khoán cho các hộ gia đình xã viên là chưa thỏa đáng. Vì nếu không quản lý, kiểm tra HTX sẽ không thống kê được tổng diện tích đã bàn giao cho 17 dự án là hơn 50 ha.
Về hồ sơ nguồn gốc đất, theo HTX Gò Me, năm 1978, Ban Nông hội và Ban Nông nghiệp của phường Thống Nhất đã vận động bà con nông dân tự nguyện làm đơn xin tham gia và kê khai diện tích đất đưa vào làm ăn tập thể tại Tập đoàn sản xuất 18, 19, 20 (sau sáp nhập là HTX Gò Me). Hồ sơ nông dân đưa đất vào tập đoàn do UBND phường Thống Nhất lưu trữ, HTX không quản lý. Do đó, kết luận thanh tra cho rằng HTX Gò Me không có giấy tờ chứng minh việc đưa đất vào của từng xã viên là chưa thỏa đáng vì UBND phường Thống Nhất tiếp nhận người dân đưa đất vào làm ăn tập thể và không giao cho HTX quản lý hồ sơ liên quan đến đất đai khi thành lập HTX. Cũng theo HTX Gò Me, trong quá trình hoạt động, 80 ha đất do HTX Gò Me quản lý đã được giao khoán cho các xã viên và nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án nên HTX chỉ còn trực tiếp quản lý, sử dụng 5,9 ha. Về một số trường hợp xây dựng trái phép trên đất giao khoán, HTX Gò Me đề xuất UBND phường Thống Nhất xử lý.
Theo kết luận thanh tra, việc cấp 73 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân là vi phạm điều 50 Luật Ðất đai 2003 và điều 100 Luật Ðất đai 2013. Diện tích đất do HTX Gò Me trực tiếp quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, chưa phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/lang-phi-dat-vang-o-ong-nai-20220411213005822.htm