Lãng phí nguồn lực thực tập sinh

Vài năm gần đây, số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản khoảng trên 50.000 mỗi năm. Thế nhưng, khi về nước lại rất khó tìm được việc làm phù hợp, vì sao?

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây vừa công bố báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là tỉ lệ thực tập sinh (TTS) Việt Nam về nước tìm được việc làm phù hợp chỉ 26,7%. TTS kỹ thuật trở về làm công việc tương tự như ở Nhật Bản cũng thấp. Báo cáo đánh giá đây là sự lãng phí kinh nghiệm của nguồn nhân lực, không đáp ứng mục đích ban đầu của chương trình là chuyển giao kỹ năng.

Thiếu định hướng

Báo cáo dựa trên khảo sát 341 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và hơn 40 nhà tuyển dụng, cho thấy TTS từ Nhật Bản về Việt Nam khó tìm được việc vì kinh nghiệm làm việc không phù hợp, mong muốn mức lương cao. TTS trở về từ Nhật Bản chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin, nên ngoài khả năng tiếng Nhật thì kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của họ không có nhiều giá trị khi quay về Việt Nam.

Thực tập sinh của Công ty TNHH Esuhai về nước được chào đón và kết nối việc làm miễn phí .Ảnh: GIANG NAM

Thực tập sinh của Công ty TNHH Esuhai về nước được chào đón và kết nối việc làm miễn phí .Ảnh: GIANG NAM

Theo chia sẻ của một số DN, TTS về nước thường chỉ có bằng tốt nghiệp THPT hoặc THCS nên trình độ tin học hạn chế, trong khi đa phần công việc đều đòi hỏi kỹ năng này. Do đó, nhiều người từ bỏ sau một thời gian thử việc hoặc phải học thêm kỹ năng mới có thể bắt nhịp được với công việc. Nhiều DN Nhật Bản cho rằng phạm vi làm việc của TTS tại Nhật Bản khá hạn chế, bởi đa số chỉ được trải nghiệm các loại máy móc không được sử dụng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng việc TTS về nước khó kiếm được việc làm phù hợp do nhiều yếu tố. Trong đó, việc định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu của TTS chưa được đơn vị phái cử và người lao động (NLĐ) quan tâm. Tâm lý đi làm để kiếm tiền khiến NLĐ quên đi phần học hỏi, rèn luyện và trau dồi kiến thức nghề nghiệp nên khi về nước không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Hơn nữa, xuất phát điểm về trình độ thấp khiến cơ hội việc làm khi về nước cũng thấp theo.

Cơ hội việc làm trong nước rất lớn

"Để gia tăng cơ hội việc làm khi về nước, TTS cần định hình tương lai sự nghiệp ngay trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Có như vậy, NLĐ mới hiểu được giá trị của 3 năm làm TTS để cố gắng giỏi nghề, giỏi tiếng, nhiều kỹ năng và học tác phong của người Nhật thì không lo thiếu việc làm khi về nước" - ông Lanh nói.

Đồng quan điểm, các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm cho rằng ngoài định hướng rõ ràng, nếu các TTS chủ động thích nghi thì cơ hội việc làm trong nước rất lớn, bởi việc tiếp cận cũng khá dễ dàng khi thông qua các sàn giao dịch việc làm, giới thiệu của công ty phái cử…

Minh chứng cho sự thành công là trường hợp của anh Lê Văn Hữu Tuấn (25 tuổi, quê Tây Ninh) và nhóm bạn đồng nghiệp. Anh Tuấn kể nhóm của anh gồm 16 người đều là TTS kỹ thuật làm cho 3 công ty về cơ khí chính xác tại tỉnh Aichi - Nhật Bản. "Trong nhóm có 3 người ở phía Bắc, khi về nước, họ học tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. Số còn lại ở các tỉnh phía Nam được tuyển vào một công ty cơ khí khá lớn ở KCN Tân Bình (TP HCM) làm việc" - anh Tuấn nói. Anh cho hay sở dĩ tìm được việc làm là do khi còn ở Nhật, anh đã kết nối với công ty trên và được họ đặt hàng làm việc cho cả nhóm khi về nước.

Theo anh Tuấn, 3 năm ở Nhật Bản là khoảng thời gian không dài nên ngoài nỗ lực làm việc và rèn luyện thì việc kết nối với nhiều nguồn trong nước để tìm việc làm rất quan trọng. Bạn bè, đối tác của các chủ người Nhật ở Việt Nam khá nhiều nên họ chính là cầu nối quan trọng để TTS về nước có ngay việc làm như ý. Tuy nhiên, việc đòi hỏi mức lương như ở Nhật là rất khó, phải chấp nhận chính sách lương, thưởng của công ty ở Việt Nam.

Chị Vũ Thị Thu Hương (24 tuổi, quê Đắk Lắk, một cựu TTS) cũng có được công việc như ý ngay khi về nước. Hương cho biết 3 năm làm TTS ở Nhật Bản với công việc đóng gói thực phẩm, chị được làm nhiều công việc trong xưởng sản xuất với dây chuyền hiện đại. Trong lần có đoàn của một DN Việt Nam đến thăm công ty, nhờ giỏi tiếng Nhật nên Hương được cử làm phiên dịch và đó là cầu nối quan trọng để chị có được công việc hiện tại. Hương hiện là chuyền trưởng của một công ty sản xuất thực phẩm có vốn đầu tư của Nhật. "Chị trưởng phòng nhân sự đi trong đoàn có ấn tượng về tôi nên xin số liên lạc. Chị em trao đổi qua lại nhiều lần, để rồi khi biết tôi chuẩn bị về nước, chị ấy đã gửi thư mời tôi đến công ty làm việc. Tôi đã làm ở đây được 6 tháng và mọi việc khá suôn sẻ" - chị Hương vui vẻ cho hay.

Sẽ có cổng thông tin việc làm cho thực tập sinh về nước

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết cơ quan này đang phối hợp với JICA thực hiện dự án hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho TTS kỹ năng từ Nhật Bản về nước. Theo đó, TTS trở về sẽ có cơ hội tiếp cận các công việc còn trống và thông tin tuyển dụng từ DN có nhu cầu tuyển TTS.

GIANG NAM - HUỲNH NHƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/lang-phi-nguon-luc-thuc-tap-sinh-20220901191902581.htm