Lãng phí tài nguyên đất từ những dự án bị bỏ hoang
Trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang, trong khi nguồn cung nhà ở còn thiếu.
Thực trạng này cho thấy sự cấp thiết trong việc ban hành cơ chế, chính sách kịp thời để tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Điển hình tại Dự án Usilk City nằm tại quận Hà Đông được khởi công từ năm 2008, gồm 9 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh hiện đại. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Từng được kỳ vọng là dự án đáng sống bậc nhất quận Hà Đông, nhưng sau hơn 16 năm triển khai, phần lớn các tòa nhà nằm trong dự án mới chỉ đang xây thô đến tầng 4 - 5 và tiếp tục bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (Hà Đông) cho biết: "Người dân đang không có chỗ ở, những tòa nhà xây bỏ không như thế này thì quá lãng phí".
Khu đất được giao cho Tập đoàn Bảo Việt để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT có diện tích khoảng 13.000m2, nằm tại số 220 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy). Khởi động từ năm 2005, nhưng sau gần 20 năm, nơi đây vẫn chỉ là một khu đất trống. Cây cối mọc um tùm, rác thải chất thành đống tạo nên hình ảnh nhếch nhác cho khu vực.
Không chỉ các khu đất, những chung cư, mà nhiều dự án đô thị hoành tráng ở ven đô được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều chung cảnh ngộ bị bỏ hoang suốt chục năm trời. Có thể thấy, hàng loạt các dự án treo, chậm tiến độ đang gây lãng phí một nguồn lực lớn đất đai.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Quang cho rằng: "Bất động sản bỏ hoang rõ ràng tác động tiêu cực đến xã hội. Điều này cũng không đáng ngạc nhiên do vấn đề về đầu cơ, đặc biệt là do cơ chế xin - cho tạo ra. Hệ lụy thứ hai là vấn đề môi trường, dự án bỏ hoang sẽ không an toàn về vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan của một thành phố. Về xã hội, bất động sản bỏ hoang phản ánh xã hội phân liệt rõ ràng: một bên thiếu nhà ở, một bên lại bỏ hoang, không sử dụng những nguồn lực đó với mục tiêu đầu cơ".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 112, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các dự án tồn đọng. “Đối với việc xử lý dự án, điều quan trọng là cần phân loại nguyên nhân để đánh giá việc chậm triển khai là chủ quan hay khách quan. Trong trường hợp dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc pháp lý hoặc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để khơi thông nguồn lực đất đai, tạo cơ hội cho các dự án hồi sinh”, theo ông Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản.
Xử lý các dự án bị bỏ hoang rõ ràng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tập trung vào cuộc tháo gỡ vướng mắc, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm để tái khởi động, phát triển các dự án bất động sản.